Bố đi tù con có được thi tuyển vào các trường khối quân đội không? Điều kiện dự thi vào các trường quân đội năm 2018.
Tóm tắt câu hỏi:
Bố em có đi tù 18 tháng tù từ lúc em còn chưa sinh ra. Bây giờ em có nguyện vọng thi bên quân đội. Bố em cũng đi tù cách đây được 15-20 năm rồi ạ. Không biết có tự xoá án tích không ạ. Hay phải đi xoá án để lấy giấy chứng nhận là đã xoá án tích mới được ạ. Mong ad trả lời giúp em.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.
Thông tư 17/2016/TT- BQP ngày 11 tháng 03 năm 2016
2. Nội dung tư vấn:
Dựa trên thông tin bạn cung cấp thì bố của bạn có đi tù 18 tháng tù từ lúc bạn chưa sinh ra. Bây giờ bạn có nguyện vọng muốn thi vào các trường quân đội. Để giải đáp thắc mắc của bạn về vấn đề án tích của bố bạn và việc bố bạn từng đi tù có ảnh hưởng đến dự định thi cử của bạn hay không, bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về vấn đề xóa án tích của bố bạn.
Theo thông tin, bố của bạn phải chấp hành hình phạt là 18 tháng tù giam. Tuy nhiên, bạn không nói rõ, bố của bạn bị kết án về tội gì, có liên quan đến các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống phá loài người và tội phạm chiến tranh hay không. Do vậy, tùy vào từng trường hợp mà cách xác định xóa án tích đối với bố của bạn cũng được quy định khác nhau. Cụ thể:
- Trường hợp bố của bạn bị kết án nhưng không thuộc vào các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống phá loài người hay tội phạm chiến tranh thì về việc xóa án tích.
Trường hợp này, về vấn đề xóa án tích, tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
“Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự năm 2015, trong trường hợp này, nếu từ khi bố của bạn chấp hành xong hình phạt chính là 18 tháng tù, đồng thời cũng chấp hành xong các hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án (nếu có), bố bạn không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian 02 năm thì bố bạn sẽ thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
Trong trường hợp bố của bạn đáp ứng đủ điều kiện để đương nhiên được xóa án tích thì người bị kết án sẽ được coi như là công dân bình thường, coi như chưa bị kế án, theo quy định tại Điều 69 Bộ luật hình sự năm 2015. Bố của bạn không bắt buộc phải làm hồ sơ để xóa án tích đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích, bởi cơ quan quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ có trách nhiệm cập nhật thông tin tình hình án tích cho người bị kết án, và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích. Tuy nhiên, để thuận tiện cho việc ra nước ngoài, đi làm việc hay xem xét đến lý lịch chính trị của nhân thân thì bố của bạn vẫn nên làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận xóa án tích.
- Trường hợp bố của bạn bị kết án về các tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống phá loài người hay tội phạm chiến tranh.
Trong trường hợp này, bố của bạn chỉ được xác định là đã được xóa án tích khi có quyết định có hiệu lực của Tòa án. Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017, và tình hình thực tế của bạn thì trường hợp này, bố của bạn sẽ được Tòa án xem xét xóa án tích khi đáp ứng các điều kiện:
Kể từ thời điểm bố của bạn chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, đồng thời chấp hành xong các hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 03 năm.
Hoặc kể từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, bố của bạn không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn 03 năm.
Trong trường hợp này, việc bố của bạn có được xóa án tích hay không phụ thuộc vào quyền quyết định của Tòa án, và bố bạn phải làm hồ sơ để xin xóa án tích.
- Trường hợp xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Trường hợp này áp dụng khi bố của bạn đã có những tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan tổ chức nơi bố bạn công tác hoặc chính quyền địa phương nơi bố bạn cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích khi bố của bạn đã đảm bảo ít nhất 1/3 thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 và khoản 2 Điều 71 Bộ luật hình sự năm 2015.
Từ những căn cứ được trích dẫn ở trên, bạn phải căn cứ vào tình hình thực tế để xác định về việc xóa án tích cho bố của bạn. Khi bố của bạn được xóa án tích thì sẽ được coi như chưa bị kết án và không có tiền án trong lý lịch chính trị của bản thân.
Thứ hai, về việc bố bạn từng phải chấp hành hình phạt tù có ảnh hưởng đến việc dự định thi vào trường trong Quân đội.
Căn cứ theo quy định của Bộ quốc phòng về việc tham gia thi tuyển vào các khối trường quân đội, thí sinh ngoài việc đáp ứng các điều kiện về sức khỏe, văn hóa, độ tuổi… thì còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức của bản thân và gia đình theo quy định tại Điều 14 Thông tư 17/2016/TT- BQP như:
“Điều 14. Tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức.
1. Thí sinh tự nguyện đăng ký dự tuyển vào các trường trong Quân đội; khi trúng tuyển vào học phải tuyệt đối chấp hành sự phân công công tác của nhà trường và Bộ Quốc phòng.
2. Chính trị, đạo đức
a) Phẩm chất đạo đức tốt, là đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lý lịch chính trị gia đình và bản thân phải rõ ràng, đủ Điều kiện để kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, không vi phạm quy định tại Điều 2 Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng;
b) Quân nhân phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian phục vụ tại ngũ;
c) Trên cơ thể không có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm.”
Đồng thời, tại Điều 2 Quy định số 57 – QĐ/TW ngày 03 tháng 05 năm 2007 của Bộ Chính Trị về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng (về quan hệ gia đình) đã quy định, người vào Đảng có người thân vi phạm một trong các điều kiện sau thì không được kết nạp:
“Điều 2:
…Có cha, mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng; vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, người trực tiếp nuôi dưỡng của vợ hoặc chồng:
2.1- Đã làm tình báo, gián điệp, chỉ điểm, mật báo viên, công tác viên hoặc làm việc cho các cơ quan an ninh, tình báo, cảnh sát đặc biệt của địch.
2.2- Tham gia bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, bán vũ trang của địch có tội ác với cách mạng, với nhân dân; giữ chức vụ ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thư ký hoặc tương đương trong các đảng phái, tổ chức chính trị phản động, đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội do địch lập ra từ cấp xã và tương đương trở lên.”
Xem xét trong trường hộ của bạn, khi bố của bạn đã từng phạm tội nhưng nếu được xóa án tích, và không thuộc các trường hợp phạm vào các tội liên quan đến an ninh quốc gia, chống phá chính quyền, tội phạm chiến tranh… và không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 2 Quy định số 57 – QĐ/TW được trích dẫn ở trên thì việc bố của bạn từng phạm tội sẽ không ảnh hưởng đến việc thi vào trường quân đội của bạn. Tuy nhiên, do trong nội bộ ngành Công an, Quân đội có những văn bản mang đặc thù ngành, lưu hành nội bộ nên để biết chính xác thông tin này, bạn nên liên hệ trực tiếp tới Ban tuyển sinh quân sự cấp huyện nơi bạn đang cư trú hoặc hỏi trực tiếp tại trường bạn định dự thi để biết chính xác thông tin này.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của mình để có sự xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!