Bố mẹ ai có quyền nuôi con sau khi ly hôn. Căn cứ để giành quyền nuôi con từ đủ 7 tuổi trở lên khi ly hôn?
Tóm tắt câu hỏi:
Sau ba năm yêu nhau em va cô ấy đã co con với nhau chau sinh ngày 22/04/2011 va trong khoảng thời gian từ ngày sinh tới khi chau được hơn một tuổi thì em va cô ấy cung nhau chăm sóc bé. Khi cháu được hơn một tuổi thì chúng em nay sinh mâu thuẫn.Cô ấy bế con bỏ về miền bắc ( lúc này chúng em đang làm ăn ở miền Nam) và nhiều lần cô ấy tự ý mang con đi cho người khác nuôi mặc dù em và gđ cũng rất muốn nuôi cháu sau một thời gian động viên thì cuối cùng cô ấy cũng để em nuôi chau. Và từ đó em va gđ la người trực tiếp nuôi cháu.lâu lắm cô ấy mới về thăm cháu một lần. Đầu năm 2016 chúng em qđ về với nhau va tổ chức hôn lễ.cưới nhau xong chúng em va con cùng thoả thuận Đi lam ăn kinh tế trong miền nam Cụ thể công việc la buôn bán.ở với nhau hơn nửa năm thì vì quá quên với công việc nhàn hạ vao môi trường mới cộng với bản chất lười lao động cô ấy không chịu dược đã bỏ bố con em va về ngoài miền bắc. Bố con em vẫn ở lai làm ăn trong Nam. Thời gian này em cung có cv ngoài mien bắc lên tiện thể muốn về giải quyết luôn chuyện vc con cái cho dứt điểm.em cũng đã gặp và nc với gđ cô ấy va cô ấy để thoả thuận giữa việc nuôi cháu nhưng hai bên đều muôn nuôi cháu.Mong các luật sư tư vấn giúp em giành quyền nuôi con (xét về hoàn cảnh gđ hai bên thì gđ em kinh tế vật chất thi hơn hẳn nhà cô ấy. Về bản thân hai đứa thì em và cô ấy đều làm tự do.Xin các luật sư tư vấn giùm em cách nào để chứng minh thu nhập cũng như em có điều kiện để nuôi dưỡng cháu tốt hơn. XIn cảm ơn các anh chị.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Hiện nay, vấn đề được đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn và thắc mắc nhất khi giải quyết ly hôn là về quyền nuôi con và quyền đối với tài sản. Với trường hợp của bạn, cần những yếu tố gì để bạn có thể giành được quyền nuôi con? Để đáp ứng một phần những thắc mắc về ly hôn, đồng thời góp ý cho hướng giải quyết vấn đề của bạn, chúng tôi xin dựa trên tình huống thực tế bạn đặt ra để phân tích như sau:
Bạn cung cấp thông tin con bạn sinh vào ngày 22/04/2011 đến nay đã là năm 2018 như vậy con bạn đã đủ 7 tuổi trở lên. Căn cứ theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.
Theo đó, con của bạn đã đủ 7 tuổi, nếu giữa bạn và vợ bạn không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của con bạn (do con bạn đã đủ 7 tuổi). Nếu con bạn có nguyện vọng muốn được ở với bạn, trong trường hợp này, bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con.
Thêm nữa, để giành quyền nuôi con cần căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, quyền lợi về mọi mặt ở đây được xác định như thế nào? Tòa án căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Bạn cần đưa ra chứng cứ chứng minh với tòa án rằng, bạn có điều kiện tốt hơn vơ của bạn về mọi mặt, như là: về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tinh thần của bé, là yếu tố thuận lợi cho bạn để Tòa án căn cứ quyết định. Cùng với thông tin bạn đưa ra, vợ bạn là một người phụ nữ không chăm chỉ lao động, điều kiện về kinh tế không được bằng bạn, trong quá trình con phát triển từ lúc sinh ra đến giờ vợ luôn luôn bỏ con đi và để con lại cho bạn nuôi dưỡng. Đó cũng là những yếu tố để Tòa án xem xét quyền nuôi con trực tiếp giao cho bạn.
Nếu bạn nuôi con thì vợ bạn có trách nhiệm như thế nào với con, hoặc ngược lại?
Theo Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Như vậy, nếu bạn là người trực tiếp nuôi con, thì vợ bạn tức là mẹ của cháu phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Bạn có thể thỏa thuận với vợ về việc ly hôn thuận tình, nếu không thỏa thuận được bạn làm đơn ly hôn đơn phương sau đó nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi cô vợ bạn đang cư trú (nơi thường trú hoặc nơi tạm trú) để giải quyết vấn đề hôn nhân của các bạn, đồng thời nêu rõ vấn đề giải quyết quyền nuôi con nếu không thỏa thuận được giữa hai bên và tài sản chung cũng vậy.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!