Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự năm 2015. Bộ luật dân sự mới nhất xác định nguyên tắc là gì? Nội dung các nguyên tắc luật dân sự.
Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.
Bộ luật này có nhiều điểm mới có tính đột phá so với Bộ luật dân sự năm 2005 về nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Những nguyên tắc này là sự kế thừa và phát triển các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2005 và Bộ luật dân sự năm 2015 quy định bao quát hơn, chỉ trong một điều luật tại điều 3 chương 1 phần thứ nhất thay vì quy định thành 01 chương 2 phần thứ nhất với 9 điều luật từ điều 4 đến 13 như trước. Nguyên tắc là những điều cơ bản được đặt ra dựa trên những quan điểm tư tưởng nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo.
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật:
* Nguyên tắc là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng và áp dụng các quy phạm pháp luật dân sự vào trong thực tế bao gồm các nguyên tắc sau:
1. Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
– Bình đẳng xã hội là sự ngang bằng nhau giữa các cá nhân hay nhóm xã hội về một hay một số phương diện xã hội nào đó.
– Bình đẳng là điều mà mọi ngành luật đều hướng tới với mục đích bảo đảm quyền và lợi ích, nghĩa vụ giữa các bên là như nhau nên pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội chung nhất, cơ bản nhất. Do đó, sự bình đẳng càng được chú trọng và quan tâm hơn.
Cá nhân, pháp nhân không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh, kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.
Theo quy định này bao gồm nội dung của nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự trước đây của Bộ luật dân sự năm 2005.
2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Tự do, tự nguyện là nguyên tắc cơ bản của các ngành luật nói chung. Mọi cam kết, thỏa thuận giữa các chủ thể đều phải bảo đảm tính tự do, tự nguyện. Các thỏa thuận giữa các bên không trái quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội đều phải được sự tôn trọng giữa các bên và các chủ thể khác.
Đây là nguyên tắc thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền tự do của công dân trên các mặt của đời sống xã hội và đã được thể hiện trong hiến pháp năm 2013 cũng quy định là phải bảo đảm cho mọi người có quyền tự do, trong đó có quyền tự do trong lĩnh vực dân sự. Đây là nguyên tắc mang tính đặc thù của Bộ luật dân sự.
Nội dung của nguyên tắc này, trước hết là mọi cá nhân, pháp nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, đó là quyền tự do cam kết thỏa thuận và quyền tự nguyện cam kết thỏa thuận khi tham gia các giao dịch dân sự. Quyền tự do cam kết thỏa thuận thể hiện ở chỗ, các bên tham gia giao dịch dân sự được quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia, không ai được cản trở, ngăn cản. Mọi cam kết thỏa thuận, hợp pháp được pháp luật bảo hộ và bảo vệ. Quyền tự do cam kết, thỏa thuận thể hiện sự tự do ý chí của cá nhân, pháp nhân trong việc tham gia các giao dịch dân sự. Các bên không được ép buộc hoặc dùng bất cứ các thủ đoạn nào nhằm buộc bên kia cam kết, thỏa thuận trái với ý chí của họ. Mọi cam kết, thỏa thuận không có sự tự nguyện của các bên có thể bị tuyên bố vô hiệu.
Nguyên tắc này chỉ rõ các cá nhân, pháp nhân có quyền cam kết, thỏa thuận những giao dịch dân sự khi những giao dịch này không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội. Điều cấm của luật có thể là những việc luật không cho phép làm hoặc những luật buộc phải làm nhưng không làm, đó là những chuẩn mực pháp lý mà các bên phải xử sự theo các chuẩn mực này khi thực hiện các giao dịch dân sự. không trái với đạo đức xã hội là không được trái với phong tục, tập quán, thuần phục mỹ tục tốt đẹp đã được hình thành trong cuộc sống phù hợp với sự phát triển của xã hội.
3. Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực.
– Trung thực trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự là một những yêu cầu quan trọng mà pháp luật quy định cho các bên. Sự trung thực, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được thực tế, tránh gây thiệt hại cho chủ thể tham gia quan hệ dân sự.
Nguyên tắc trung thực, thiện chí là nền tảng của mọi giao dịch dân sự, vì khi thực hiện các giao dịch dù đơn giản hay phức tạp, mức độ lớn hay nhỏ thì khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ thì sự trung thực, thiện chí luôn được đặt lên vị trí hàng đầu. Trung thực, thiện chí là thực hiện hành vi với ý định tốt một cách ngay thẳng, chính trực nên cũng có tài liệu ghi nhận nguyên tắc này dưới là nguyên tăc thẳng thắn và ngay tình.
Do đó, ý chí tự nguyện là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và ý chí bên ngoài của các chủ thể khi được giao kết hợp đồng được coi là tự nguyện khi hình thức của hợp đồng phán ảnh một cách khách quan, trung thực mong muốn, nguyện vọng của các bên chủ thể tham gia hợp đồng.
Vì vậy, theo quy định của pháp luật thì tất cả những hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, lừa dối hay bị đe dọa đều không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện khi giao kết và do đó bị vô hiệu
4. Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Theo quy định việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể và các chủ thể có liên quan. Nếu hành vi trong các giao dịch dân sự xâm phạm đến lợi ích quốc sgia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì các bên chủ thể sẽ pháp sinh nghĩa vụ dân sự đối với những thiệt hại do hành vi xâm phạm đó gây ra.
5. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Về cơ sở thực tiễn: trong quan hệ pháp luật dân sự, đặc biệt là các giao dịch dân sự, các bên luôn muốn giành lợi ích về phía mình tức là chỉ muốn nhận quyền mà không muốn thực hiện nghĩa vụ dân sự. Các bên có thể trốn tránh nghĩa vụ dân sự của mình, việc này ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của bên chủ thể còn lại.
Để đảm bảo quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ pháp luật thì đòi hỏi các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự đó phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Việc quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự là cơ sở để đảm bảo cho các bên trong quan hệ dân sự thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, đảm bảo được lợi ích của các bên. Đồng thời, nguyên tắc này còn làm cơ sở để cơ quan, chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với chủ thể có hành vi vi phạm.
* Nguyên tắc chủ yếu của nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
Các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình. Các bên ở đây chính là các chủ thể trong quan hệ dân sự. Trong quan hệ dân sự, đi kèm với quyền luôn là nghĩa vụ. Các chủ thể trong quan hệ, khi một bên chủ thể được hưởng quyền thì đi kèm với nó họ cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định đối với phía chủ thể bên kia tức quyền của người này ứng với nghĩa vụ của người kia và ngược lại.
Các bên chủ thể trong quan hệ dân sự phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Chính các bên trong quan hệ dân sự là những chủ thể được hưởng quyền và cũng chính là những chủ thể thực hiện nghĩa vụ đối với chủ thể bên kia. Vì thế, hơn ai khác chính họ phải là những người chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Ở đây, pháp luật dân sự quy định cho họ việc họ tự chịu trách nhiệm tức là đề cao sự tự giác, tự nguyện của các chủ thể trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Nếu các chủ thể không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là quy định nhằm tránh tình trạng các bên không tự chịu trách nhiệm của mình. Và vì thế họ sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhất định để buộc thực hiện nghĩa vụ của mình.
Như vậy, tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, khi quyền dân sự của các bên bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc tự bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!