Cách xác định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật. Quy định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật với đối với Hiệu trường trường tiểu học.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư. Chúc Luật sư và Gia đình nhiều sức khỏe. Hiện tại tôi có vấn đề đang rất khó khăn trong công tác tham mưu, cần được tư vấn. Mong Luật sư có thể giành ít thời gian tư vấn để tôi có thể tham mưu giúp đơn vị của mình. Vấn đề của tôi như sau:
Ngày 22/02/2016 huyện tôi có ban hành Quyết định thành lập Đoàn Thanh tra về việc thu, chi tài chính và các nguồn thu khác của 1 đơn vị trường tiểu học. Mốc thời gian để thanh tra yêu cầu trường cung cấp các báo cáo có liên quan là từ thời điểm (01/01/2014 đến ngày ban hành quyết định thanh tra tức ngày 22/02/2016). Thời gian thanh tra là 30 ngày.
– Ngày 01/3/2016-04/5/2016: Đoàn Thanh tra bất đầu thanh tra tại trường. Qua thanh tra phát hiện, ngày 20/5/2016 có sai phạm trong thu chi tài chính. Năm 2015 cũng có sai phạm, số tiền không đáng kể.
– Đến ngày 23/8/2016 huyện ra Thông báo kết luận thanh tra, qua đó yêu cầu xử lý hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng trường được Thanh tra. Do sơ suất không quản lý cấp dưới làm sai phạm trong thu, chi tài chính, và một vài sai sót khác. Bản thân cô là Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề trên.
– Huyện tiến hành các bước theo đúng trình tự, thủ tục, thành lập Hội đồng kỷ luật, đầy đủ các bước theo qui định pháp luật. Xin hỏi Luật sư, hiện nay Hiệu trưởng Trường được thanh tra là Cô A, không thống nhất, không hợp tác và luôn thắc mắc cho rằng thời hiệu, thời hạn để tiến hành kỹ luật cô là không còn. Vì vậy không thể kỷ luật cô. Xin luật sư có thể giải đáp dùm, đối với trường hợp của Cô A, thời hiệu, thời hạn xác định từ đâu? còn hay hết? Giải thích cụ thể như thế nào để cô A hiểu.
Xin Luật sư tư vấn kỹ giúp em. Chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý.
2.Giải quyết vấn đề:
Căn cứ tại Điều 11 Nghị định 06/2010/NĐ-CP quy định công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý sự nghiệp đơn vị có thể thấy Hiệu trưởng trường tiểu học là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và được xác định là công chức.
Về thời hiệu và thời hạn xử lý kỷ luật của công chức được quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 6. Thời hiệu xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
2. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.
Điều 7. Thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.”
Tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ Công chức 2008 quy định:
“Điều 80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.”
Như vậy, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Còn về thời hạn xử lý kỷ luật thì thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật, trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vậy, phương tiện cần giám định hoặc có tình tiết phức tạp cần xác minh, điều tra thì cơ quan có thẩm quyền có thể kéo dài thời gian xử lý kỷ luật nhưng tối đa không quá 4 tháng.
Vì thông tin bạn đưa ra không đầy đủ, rõ ràng nên đối với trường hợp của cô A thì bạn cần phải xem xét, xác minh lại thời điểm cô A có hành vi vi phạm cho đến khi có quyết định xem xét xử lý kỷ luật đã quá 24 tháng hay chưa? Nếu vẫn còn thời hiệu xử lý kỷ luật thì đối chiếu xem còn thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định trên hay không?. Nếu hết thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật thì hành vi vi phạm này sẽ không bị xử lý.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!