Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định năm 2019. Doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận về mức lương tham gia bảo hiểm xã hội trong hợp đồng lao động.
Tóm tắt câu hỏi:
Liên quan đến luật BHXH năm 2018, em có chút vướng mắc xin Quý cơ quan giải đáp giúp ạ. Công ty em là công ty kinh doanh bảo hiểm, hiện tại công ty trả lương cho cán bộ theo hình thức lương khoán hàng tháng tinh theo đơn giá tiền lương Doanh thu . Như vậy, lương sẽ có tháng thấp, tháng cáo do tuỳ vào doanh thu khai thác hàng tháng mà không có khoản lương cố định. Theo luật BHXH hiệu lực 1/1/2018 tiền lương hàng tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là các khoản cố định đuợc thể hiện trên hợp đồng lao đông. Thực tế do công ty em trả lương theo doanh số sẽ không có khoản lương cố định ghi trong hợp đồng lao đông. Vậy cho em hỏi: 1) tiền lương hàng tháng đóng bhxh hàng tháng công ty em đang yêu cầu đóng là trung bình tiền lương của năm trước có đúng hay không ạ khi thực tế hàng tháng năm nay chưa chắc nhân viên đã đuợc nhận số tiền lương như vậy mà đóng bhxh dựa vào lương năm trước ví dụ( tiền lương năm đó cao hơn năm nay )sẽ không đảm cuộc sống cho cán bộ chỉ phụ thuộc vào lương 2) Nếu công ty và người lao động thỏa thuận ghi trong hợp đồng tiền lương căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương theo ngạch, bậc, tiền lương tối thiểu vùng thì có được không ạ? vì theo tình hình thực tế rất nhiều cán bộ trẻ có thu nhập chưa cao thì tiền lương theo ngạch, bậc, tiền lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng BHXH là hoàn toàn hợp lý để có thể đảm bảo cuộc sống ạ Em rất mong có câu trả lời sớm vì hiện tại công ty em đang áp dụng thu BHXH EM cảm ơn rất nhiều ạ!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
– Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH
– Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH
2. Giải quyết vấn đề
Nguyên tắc khi tham gia bảo hiểm xã hội là có đóng có hưởng, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều. Đối với những doanh nghiệp trả lương cố định hàng tháng thì dễ dàng tính toán mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng đối với doanh nghiệp trả lương theo hình thức sản phẩm, lương khoán, mức doanh thu hàng tháng tăng giảm không ổn định thì thường lúng túng trong việc lựa chọn mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Điều này thường gây lo lắng cho người lao động như không biết mình có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không? Mức lương đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu?.
Theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người lao động theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữ người dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
– Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, người lao động theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Và những đối tượng quy định tại Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo đó, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Bạn làm việc tại công ty kinh doanh bảo hiểm và được trả lương theo hình thức lương khoán. Tuy nhiên, theo quy định của luật việc trả lương theo hình thức lương khoán hay trả lương cố định không phải là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Chế độ trả lương như thế nào phụ thuộc vào hình thức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bạn và do người sử dụng lao động quyết định. Bạn là người lao động có ký hợp đồng lao động tại công ty thì bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
* Mức lương đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Tại Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH nêu rõ tiền lương, các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động như sau:
“Điều 4. Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động
Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm:
1. Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
2. Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
3. Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.”
Đối chiếu quy định trên, mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với bạn là người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán bao gồm:
– Mức lương: Tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán
– Phụ cấp: Là các khoản phụ cấp hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động
– Các khoản bổ sung:
+ Khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương
+ Khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Lưu ý, các chế độ và phúc lợi khác như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012 gồm: tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ…được ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động và là khoản không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Doanh nghiệp có quyền lựa chọn mức lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhưng cần đảm bảo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2018. Mức lương tối thiểu vùng được quy định tại Điều 3 Nghị định số 141/2017/NĐ-CP:
– Vùng I : 3.980.000 đồng/ tháng
– Vùng II: 3.530.000 đồng/ tháng
– Vùng III: 3.090.000 đồng/ tháng
– Vùng IV: 2.760.000 đồng/ tháng
Ngoài ra, theo Điều 5 Nghị định số 141/2017/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp sử dụng người lao động làm công việc đã qua học nghề, đào tạo nghề, kể cả người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc từ học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra thì mức lương đóng bảo hiểm xã hội phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Ví dụ: Bạn là lao động có trình độ cao đẳng, đã được cấp bằng và làm việc tại doanh nghiệp có địa bàn thuộc vùng I thì mức lương tối thiểu vùng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng là:
3.980.000 + ( 7% x 3.980.000) = 4.258.600 đồng/ tháng.
Kết luận, việc công ty bạn trả lương theo hình thức lương khoán không ảnh hưởng và không phải là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Công ty có quyền lựa chọn mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng chung quy định tại Nghị định số 141/2017/NĐ-CP./.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!