Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây tai nạn giao thông. Xe máy đâm người đi bộ qua đường xác định lỗi như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn được tư vấn về vụ việc: Bố tôi 69 tuổi bị tại nạn giao thông như sau; ông đi bộ từ trong nhà ra đến vỉa hè và đang di chuyển để sang bên kia đường, vừa vượt qua vỉa hè được vài bước thì bị người điều khiển xe máy đi từ phía đông đang đi chuyển về phía tây đậm vào người. ( đoạn đường đó là khu dân cư không có biển báo cấm người đi bộ và nằm trong địa phận Thị trấn) Tôi muốn được tư vấn : _ Vụ việc đó ai là người có lối? _ Trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của cả hai bên như thế nào? Mong luật sư giải đáp, tôi xin chân thành cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật giao thông đường bộ năm 2008
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015
2. Nội dung tư vấn:
Dựa theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay bố của bạn đi bộ qua đường và bị tai nạn giao thông. Để giải quyết về vấn đề của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc xác định lỗi của các bên trong việc gây ra tai nạn.
Để xác định việc đi bộ qua đường của bố bạn có đúng pháp luật hay không thì căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì:
“Điều 11. Chấp hành báo hiệu đường bộ
1. Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
2. Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
3. Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
4. Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.”
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 15, 16 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ đang đi trên phần đường dành riêng cho họ. Không được quay đầu xe, hay lùi xe ở phần đường dành cho người đi bộ.
Đồng thời, tại Điều 32 Luật giao thông đường bộ năm 2008 cũng có quy định riêng về người đi bộ, cụ thể:
“Điều 32. Người đi bộ
1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.”
Xem xét trong trường hợp của bố bạn, theo thông tin, bố bạn 69 tuổi. Bố bạn đi bộ từ trong nhà ra đến vỉa hè, và đang di chuyển để sang bên kia đường, vừa vượt qua vỉa hè được vài bước thì bị người điều khiển xe máy đi từ phía đông đang di chuyển sang phía tây đâm vào người. Đoạn đường xảy ra tai nạn là trong khu vực dân cư, không có biển báo cấm người đi bộ và nằm trong bộ phận Thị Trấn. Có thể thấy, bố bạn là người đi bộ, nhưng trong thông tin không nói rõ, nơi bố bạn qua đường có vạch kẻ đường, đèn tín hiệu, hay cầu vượt hay hầm đường bộ hay không. Khi bố bạn qua đường đã chú ý quan sát hay chưa. Tốc độ của người điều khiển xe máy va chạm với bố bạn như thế nào. Khi đi người này có quan sát, có vượt quá tốc độ, có hành vi vi phạm pháp luật nào không.
Do thông tin không nêu rõ, nên việc xác định việc ai có lỗi trong vụ việc va chạm giao thông này, là bố bạn hay người điều khiển xe máy, cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể. Tuy nhiên, bố bạn chỉ được xác định là không có lỗi khi qua hiện đúng quy định về an toàn khi tham gia giao thông khi qua đường theo quy định tại Điều 11 và Điều 32 Luật an toàn giao thông đường bộ năm 2008, cụ thể:
– Bố bạn đã đi trên hè phố, lề phố; ở nơi không có hè phố, lề phố thì đã đi sát mép đường.
– Ở nơi có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì khi qua đường, bố bạn đã thực hiện đúng theo chỉ dẫn của đèn tín hiệu, đi đúng phần đường dành cho người đi bộ.
Ở nơi không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì bố bạn đã quan sát kỹ trước khi qua đường, và qua đường khi cảm thấy an toàn.
Trường hợp này, khi không đánh giá được tình hình thực tế thì việc xác định ai là người có lỗi sẽ được xác định theo biên bản kết luận của cơ quan điều tra trên cơ sở phân tích lời khai của các bên, người làm chứng, đối chiếu hiện trường, tang vật, vật chứng và những chứng cứ khác (nếu có).
Thứ hai, trách nhiệm của các bên trong vụ việc va chạm giao thông này.
Như đã phân tích, trong trường hợp này, chưa thể khẳng định chính xác ai đúng ai sai, ai là người có lỗi trong vụ việc gây ra va chạm giao thông. Nhưng, vụ việc va chạm, tai nạn giao thông đã xảy ra, bố bạn đã bị đâm bởi chiếc xe máy kia, nên có thể đã phát sinh thiệt hại. Tuy nhiên, trong thông tin bạn không nói rõ, thiệt hại xảy ra do vụ việc va chạm giao thông như thế nào, bố bạn có bị thương, hay bị chết và thiệt hại về tài sản như thế nào… nên khi xác định về vấn đề trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của hai bên sẽ có các loại trách nhiệm xảy ra như sau:
- Về trách nhiệm hình sự:
Căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, cụ thể:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
…”
Căn cứ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 được trích dẫn ở trên thì trường hợp người điều khiển xe máy đâm vào bố bạn có một trong các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, dẫn đến gây hậu quả chết người, hoặc làm cho bố bạn bị thương tích, hoặc tổn hại cho sức khỏe cho bố bạn từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người điều khiển xe máy này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Trường hợp, người điều khiển xe máy có thể có hành vi vi phạm về an toàn giao thông nhưng gây ra hậu quả không nghiêm trọng, như tỷ lệ tổn thương cơ thể của bố bạn dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản không đáng kể thì người này cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do thông tin bạn cung cấp, không nói rõ về thiệt hại xảy ra, cũng chưa có căn cứ để xác định chính xác mức độ lỗi của các bên, hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông của người xe máy trong việc gây ra tai nạn cho bố bạn nên trường hợp này, việc bố bạn hay người điều khiển xe máy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào mức độ thiệt hại, biên bản kết luận điều tra, trên cơ sở phân tích hiện trường, lời khai, nhân chứng, vật chứng… Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
- Về trách nhiệm hành chính:
Trường hợp, khi xem xét đến bản chất, tính chất nghiêm trọng của vụ việc cũng như thiệt hại xảy ra, nếu chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng xác định được bố bạn hoặc người điều khiển xe máy đâm vào bố của bạn có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến việc xảy ra va chạm giao thông thì tùy vào từng hành vi vi phạm cụ thể mà bố bạn hoặc người điều khiển xe máy đều có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
- Về trách nhiệm dân sự:
Mặc dù, như đã phân tích, chưa xác định chính xác ai là người có lỗi trong việc gây ra vụ việc tai nạn giao thông, tuy nhiên khi xảy ra va chạm giữa một chiếc xe máy và một người đi bộ thì có thể đã phát sinh thiệt hại xảy ra. Thiệt hại đó có thể là về tính mạng con người, có thể là về sức khỏe, hoặc là về tài sản. Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Do vậy, khi người đi xe máy có lỗi trong việc gây ra việc va chạm tai nạn giao thông, gây ra thiệt hại cho bố bạn thì người đó phải có nghĩa vụ bồi thường theo quy định. Trường hợp cả bố bạn và người đi xe máy đều có lỗi thì các bên sẽ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi lỗi mà mình gây ra.
Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại: Căn cứ theo quy định tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường. Khi bên bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Căn cứ xác định thiệt hại: Do trong thông tin bạn không nói rõ, thiệt hại xảy ra ở đây là thiệt hại về sức khỏe, về tính mạng, hay về tài sản. Do vậy, tùy vào từng loại thiệt hại mà căn cứ xác định thiệt hại cũng được xác định khác nhau. Cụ thể:
– Nếu xảy ra thiệt hại về sức khỏe do vụ việc va chạm giao thông như bố bạn bạn thương tích, bị tổn hại sức khỏe thì căn cứ theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015, Mục II Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Chi phí này bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X-quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu… theo chỉ định của bác sĩ, tiền viện phí,…
Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Phần thu nhập này chỉ được xác định trong trường hợp nếu trước khi sức khỏe bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khỏe bị xâm phạm, họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc giảm sút thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có) cho một trong những người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị do cần thiết hoặc do yêu cầu của cơ sở y tế.
Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.
Ngoài việc bồi thường những thiệt hại thực tế phát sinh nêu trên thì người có trách nhiệm bồi thường có thể phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp về tinh thần cho người bị thiệt hại. Khoản tiền này do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì xác định theo mức độ tổn thất về tinh thần nhưng mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở.
– Trường hợp phát sinh thiệt hại về tính mạng như xảy ra hậu quả chết người do vụ việc va chạm giao thông.
Trường hợp này, căn cứ theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 và Mục II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
Chi phí, thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm được xác định theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 đã được phân tích ở trên. Phần chi phí này được xác định đối với người bị thiệt hại trong thời gian điều trị trước khi chết.
Chi phí hợp lý cho việc mai táng, bao gồm các khoản tiền mua quan tài, vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi phí khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung, không bao gồm chi phí cúng tế, lễ, bái, ăn uống…
Khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết. Chỉ xem xét khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trước khi tính mạng bị xâm phạm người bị thiệt hại thực tế đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Khoản tiền bù đắp về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
– Thiệt hại về tài sản: Căn cứ theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: tài sản bị mất, bị hủy hoại; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị hư hỏng; và chi phí hợp lý để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, về việc xác định ai là người có lỗi và mức độ lỗi của các bên thì do thông tin bạn cung cấp không nêu rõ nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế, hiện trường vụ việc, lời khai, bằng chứng chứng cứ để xác định cụ thể. Trách nhiệm của các bên, dù là trách nhiệm hình sự, hay trách nhiệm dân sự được xác định dựa trên thiệt hại thực tế xảy ra, mức độ lỗi của các bên, và tính chất mức độ của vụ việc.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!