Chạy xe máy trên lề đường gây tai nạn có phải bồi thường không? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư hôm nay em có tham gia giao thông và gặp tai nạn như sau: Em điều khiển xe gắn máy, em đi trên làn đường đúng theo quy định rồi em xi nhan xin qua đường. Khi em qua tới làn đường bên kia (do trời mưa to nước chảy xiết ở làn dưới lề đường) em chạy chậm để từ từ lên lề đường (xe em không chắn ngang đường mà hướng xe chéo vô lề đường gần như là ngược chiều với làn đường em vừa chuyển qua) có 1 cậu bé học cấp 2 chạy xe đạp điện, không đội mũ bảo hiểm, đúng chiều đường của bé đó và ngược chiều với em (em vẫn còn bật xi nhan) đã tung vào em mặc dù em đã sát lề đường. Liệu em có phải bồi thường thiệt hại cho bé đó không? và em có lổi gì trong trường hợp này không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
+ Luật Giao thông đường bộ 2008.
2. Giải quyết vấn đề:
Điều 584 Bộ Luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo quy định trên, người nào có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Bởi vậy, mấu chốt trong vụ việc của bạn là xác định lỗi của các bên trong vụ va chạm.
Theo thông tin bạn cung cấp có thể hiểu tình huống của bạn như sau: bạn tham gia giao thông khi trời mưa, bạn có tín hiệu xi nhan sang đường và đã di chuyển đến lề đường bên trái, vì trời mưa, trên đường có nhiều nước chảy nên bạn giảm tốc độ để chuẩn bị điều khiển xe đi lên lề đường và đó cũng là lúc bạn có va chạm với xe đi ngược chiều.
Về nguyên tắc, việc xác định lỗi của các bên trong tai nạn giao thông do cơ quan công an đảm nhiệm. Tuy nhiên, vì bạn không nêu rõ trường hợp của mình chính xác như thế nào nên bạn có thể cũng có thể tự đối chiếu để xác định lỗi trên cơ sở quy định của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.
Căn cứ Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
“Điều 13. Sử dụng làn đường
1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.”
Theo thông tin bạn cung cấp, vì là đường làng nên sẽ không có các điểm quay đầu, do đó, khi muốn sang đường người điều khiển phương tiện có nghĩa vụ bật đèn báo hiệu, quan sát các phương tiện khác để đảm bảo an toàn cho việc sang đường. Trong tình huống này, với những thông tin bạn cung cấp thì bạn thực hiện nghiêm túc các quy tắc an toàn nói trên và va chạm với phương tiện khác khi chuẩn bị điều khiển xe lên lề đường. Tuy nhiên, việc bạn chậm chễ điều khiển xe lên vỉa hè đã vô tình gây cản trở cho người tham gia giao thông khác do xe của bạn vẫn ở dưới lòng đường.
Ở phía người va chạm, theo quy định của pháp luật hiện hành người điều khiển xe đạp điện khi tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, nhưng người học sinh va chạm với bạn không đội mũ bảo hiểm nên bạn không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do không đội mũ bảo hiểm.
Cũng cần xét đến yếu tố khách quan trong trường hợp này đó chính là trời mưa dẫn đến tầm nhìn hạn chế cũng như bạn chậm thực hiện việc điều khiển xa lên vỉa hè.
Từ những phân tích trên có thể thấy va chạm xảy ra xuất phát từ một phần lỗi của hai bên. Việc xác định lỗi của các bên trong trường hợp này là khá phức tạp và bạn chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra và phải phụ thuộc vào kết luận khám nghiệm hiện trường của cơ quan có thẩm quyền.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!