Chế độ thai sản cho lao động nữ khi nghỉ việc. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật có được hưởng chế độ thai sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào ad Xin ad tư vấn cho em để em được hiểu và biết rõ. Chuyện là vợ em làm việc tại công ty X được một năm rưỡi và tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Hiện tại vợ em đang mang thai 5 tháng do thai yếu nên vợ em nghỉ ngang. Như vậy cho em hỏi là vợ em có nhận được phụ cấp thai sản không ạ. Vs lại nếu có thì nhờ ad chỉ dùm em cách làm thủ tục a.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Điều kiện hưởng chế độ thai sản của vợ bạn được ghi nhận theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
b) Lao động nữ sinh con;
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
…….”
Như vậy, vợ bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng đầy đủ những điều kiện sau:
– Là người lao động nữ sinh con có tham gia bảo hiểm xã hội;
– Ở trường hợp thông thường, vợ bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
– Ngoài ra, như bạn trình bày, vợ bạn thai yếu nên nghỉ ngang. Nếu có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo mẫu ban hành tại Thông tư 14/2016/TT-BYT về việc phải nghỉ việc để dưỡng thai thì vợ bạn phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian 12 tháng trước khi sinh con được quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH. Cụ thể:
TH1: Trường hợp vợ bạn sinh con trước ngày 15 của tháng hoặc từ ngày 15 của tháng trở đi nhưng tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước sinh.
Ví dụ: Vợ bạn sinh con vào ngày 10/1/2019 hoặc 15/01/2019 nhưng tháng 1/2019 không đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian 12 tháng trước sinh không tính tháng 1/2019 mà được ghi nhận từ 1/2018 – hết 12/2018. Trong thời gian này, nếu vợ bạn đóng bảo hiểm xã hội được từ đủ 6 tháng trở lên thì được hưởng chế độ thai sản. Ngoài ra, nếu vợ bạn có giấy chứng nhận nghỉ để dưỡng thai thì trong thời gian từ 1/2018 – hết 12/2018, vợ bạn chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên là đã đáp ứng điều kiện hưởng chế độ thai sản.
TH2: Trường hợp vợ bạn sinh con từ ngày 15 của tháng trở đi và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước sinh.
Ví dụ: Vợ bạn sinh con vào ngày 15/1/2019 và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội thì thời gian 12 tháng trước sinh của vợ bạn tính cả tháng 1/2019, theo đó thời gian này được ghi nhận từ 2/2018 – hết 1/2019. Trong thời gian này, nếu vợ bạn đóng bảo hiểm xã hội được từ đủ 6 tháng trở lên thì được hưởng chế độ thai sản. Còn nếu vợ bạn có giấy chứng nhận nghỉ để dưỡng thai theo mẫu tại Thông tư 14/2016/TT-BYT thì trong thời gian từ 2/2018 – hết 1/2019, vợ bạn chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên thì đáp ứng điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Bên cạnh đó, vợ bạn thuộc diện thôi việc trước thời điểm sinh con nên căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội: Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội như đã phân tích ở trên, mặc dù nghỉ việc trước sinh nhưng vợ bạn vẫn có thể được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản.
Khi đáp ứng được các điều kiện hưởng chế độ thai sản, bạn cần nộp hồ sơ sau gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú:
– Giấy khai sinh/ Giấy chứng sinh của con (Bản sao có công chứng, chứng thực);
– Sổ bảo hiểm xã hội của vợ bạn.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!