Chia di sản thừa kế trong trường hợp bố mất năm 1995. Thời hiệu chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào các luật sư. Tôi tên là Lê Trần Thành ở tại số nhà 11 ngõ 281 Đội Cấn quận Ba Đình, Hà Nôi xin các luật sư giúp đỡ tôi về pháp luật đất đai. Tôi xin trình bày tình trạng Bố tôi ngày xưa có mang chị em tôi lên trên Hà Nội ở từ bé (1958). Bố tôi Lê Trần Dưỡng, anh trai Lê Trần Thiều, Lê Trần Thiệu Tôi Lê Trần Thành và chị gái Lê Thị Ái Liên. Ông làm nhà nước nên được cấp 1 lô đất là 20 m2 ở Đội Cấn và cả gia đình đều ở trên khu đất đó, đến năm 88 thì tôi và bố tôi và các anh có tôn tạo thêm được 380m2 đất hồ liền kề ngôi nhà. Nên tổng diện tích đất là khoảng 400 m2. Sau này khu đất bị công ty phát triển đất đai thu hồi 160m2 thì diện lô đất còn lại 234 m2. Đến năm 95 thì bố tôi mất các anh trai mất (có một anh là liệt sĩ), do chỉ còn 2 chị em sống trên khu đất này, chị tôi có nói để chị tôi kê khai giúp tách từng người riêng biệt để sau này tránh cho con cháu thắc mắc, nên tôi nhờ chị làm giúp giấy tờ sổ đổ nhưng phải là tên của tôi và chị nhất trí, nhưng không ngờ vì lòng tham cướp đoạt nên chị gái tôi đã lén lút chia lô đất thành 3 khu: 1 nhà 36 m2, 1 biệt thự 82 m2 , và 1 khu nhà cấp 4: 115 m2 thành 3 sổ đỏ. Giờ chị gái tôi Lê Thị Ái Liên đã cầm trong tay 2 sổ đỏ nhà 36 m2 và biệt thự 82 m2, còn sổ đỏ mảnh 115 m2 do tôi làm đơn nên đã ngừng cấp. Sau đó, tôi có làm đơn lên phường để giải quyết. Đến ngày 15/4/2016 thì phường có triệu tập giải quyết theo tờ giấy viết tay của chị gái tôi, chị gái tôi giả lại tôi bằng giấy tặng cho tôi là: nhà 36 m2 và 52,6 m2 đất trong mảnh đất 115 m2 giả lại tôi theo giấy tặng, phải ra công chứng làm lại riêng biệt, cho đến bây giờ chị tôi vẫn không giả và luôn gây khó khăn, vu khống nhiều trò bỉ ổi và luôn nói là nhà của chị. Tôi muốn nhờ quý luật sư có cách nào giúp tôi lấy lại được nhà và đất theo pháp luật. Tôi xin chân thành cám ơn. Số điện thoại của tôi là : 0986 905 884.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Theo bạn trình bày thì bố bạn có tài sản là mảnh đất 234m2, năm 1995 bố bạn mất và không để lại di chúc phân chia di sản. Vì bạn không đề cập đến mẹ bạn nên trong trường hợp này bạn cần phải xác định đây là tài sản chung hay tài sản riêng của bố mẹ bạn.
Trường hợp đây là tài sản riêng của bố bạn thì khi bố bạn chết không để lại di chúc thì sẽ được chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp đây là tài sản chung được hình thành trong thời kỳ hôn nhân của bố mẹ bạn thì về nguyên tắc bố bạn được sở hữu một phần hai khối tài sản chung vợ chồng. Nên khi bố bạn chết thì chỉ đặt ra vấn đề chia di sản thừa kế phần tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của bố bạn, còn nửa phần tài sản thuộc sở hữu của mẹ bạn sẽ giữ nguyên.
Do đó, căn cứ theo pháp lệnh thừa kế năm 1990 thì trường hợp bố bạn chết không để lại di chúc thì di sản được chia thừa kế theo pháp luật.
Tại Điều 240 Pháp lệnh thừa kế 1990 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật
– Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản trong những trường hợp sau đây:
+ Không có di chúc;
+ Di chúc không hợp pháp;
+ Người thừa kế theo di chúc chết trước người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
+ Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc đều không có quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản.
Căn cứ Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định những người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1- Những người thừa kế theo pháp luật gồm có:
a) Hàng thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết.
c) Hàng thứ ba: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
2- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản ngang nhau.
3- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất hoặc những người thừa kế hàng thứ nhất đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ hai được hưởng di sản.
4- Trong trường hợp không có người thừa kế hàng thứ nhất và hàng thứ hai hoặc những người thừa kế thuộc cả hai hàng này đều không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, khước từ quyền hưởng di sản, thì những người thừa kế hàng thứ ba hưởng di sản.”
Căn cứ tại Điều 26 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định thừa kế thế vị như sau:
“Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”
Như vậy, theo quy định của pháp lệnh thì những người được hưởng phần di sản thừa kế của bố bạn bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Khi bố bạn chết là thời điểm mở di sản thừa kế. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có thể làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi có đất.
Do vậy, bạn cần phải xem xét thời điểm bố bạn chết thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất: mẹ bạn, ông nội, bà nội, cha mẹ nuôi của bố bạn (nếu có), các con của bố bạn còn sống vào thời điểm đó hay không? Di sản của bố bạn để lại sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế nêu trên chứ không phải chỉ có bạn và chỉ bạn được hưởng phần di sản này. Nếu những người thừa kế chỉ còn lại bạn và chỉ bạn, những người thừa kế kia đã chết thì bạn và chỉ bạn được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của bố bạn để lại, trừ trường hợp có người thừa kế thế vị.
Vì thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn trong trường hợp này bạn cần làm đơn yêu cầu chia di sản thừa kế ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi có đất. Thời điểm bố bạn mất năm 1995, đến nay là 22 năm, do vậy vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế.
Căn cứ Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:
“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!