Cho người khác mượn xe nhưng đem đi cầm cố, xử lý như thế nào? Mua bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên cho bạn mượn làm thế nào để đòi lại?
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ chào các luật sư, em có cho đứa phục vụ làm chung mượn xe đi công việc, nhưng nó lấy cầm luôn! Nó có nhắn tin nói em nó cầm xe và nói cho nó mấy bửa về quê lấy tiền chuộc... Nhưng nó về hơn 1 tuần rồi vẫn không liên lạc và khoá máy...Xe nó cầm cả giấy tờ xe, nhưng lúc mua xe này do biển số tỉnh em của em nó không sang tên chỉ làm giấy tờ tay. Vậy cho em hỏi em khởi kiện người đó được không a..
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015
2. Nội dung tư vấn:
Mượn xe, mượn tiền rồi sử dụng vào mục đích riêng cá nhân, chiếm đoạt luôn mà không có ý định trả lại… là một trong những hiện trạng thường xuyên diễn ra trong xã hội ngày nay. Trường hợp của bạn cũng là một ví dụ cụ thể. Vậy làm sao để đảm bảo quyền của chủ tài sản. Để giải quyết vấn đề này cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, theo thông tin, bạn có cho một người bạn làm chung mượn xe để đi công việc. Có thể thấy, mặc dù không ký hợp đồng mượn tài sản, mượn xe, nhưng thông qua hành vi mượn xe của người bạn của bạn đã xác lập quan hệ mượn tài sản, thể hiện bản chất của một hợp đồng mượn tài sản theo quy định tại Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, tại Điều 494 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định:
“Điều 494. Hợp đồng mượn tài sản
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được”.
Trong trường hợp của bạn, đối tượng của hợp đồng mượn tài sản, quan hệ mượn tài sản ở đây được xác định là chiếc xe máy của bạn. Và trong quan hệ này, bạn được xác định là người có tài sản cho mượn là chiếc xe máy, cũng được xác định là bên cho mượn tài sản, còn người bạn của bạn được xác định là bên mượn tài sản. Trong trường hợp của bạn, bạn đã giao chiếc xe máy của mình cho bạn của mình mượn để đi lại, làm công việc khác mà không phải trả tiền.
Trường hợp này, khi người bạn của bạn mượn tài sản của bạn thì họ phải có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
“Điều 496. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa.
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn.
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản mượn.
5. Bên mượn tài sản phải chịu rủi ro đối với tài sản mượn trong thời gian chậm trả.”
Đồng thời tại Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng có quy định bên cho mượn tài sản – ở đây là bạn được quyền đòi lại tài sản (ở đây là chiếc xe máy của ban) ngay khi bên mượn (người bạn của bạn) đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn; hoặc đòi lại khi bạn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn mặc dù người bạn đó của bạn chưa đạt được mục đích ban đầu hay chưa hết thời hạn mượn, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý.
Bạn cũng được quyền đòi lại tài sản là chiếc xe đã cho người bạn đó đã mượn khi người bạn này sử dụng nó không đúng mục đích, đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bạn.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, bạn cho người bạn này mượn xe để đi lại. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi mượn được xe của bạn, người này đã tự ý mang xe và cả giấy tờ xe đi cầm cố, và sang nhượng bằng giấy tờ tay, rồi lấy số tiền có được từ việc cầm cố chiếc xe của bạn trở về quê, đến nay không liên lạc được, đã tắt điện thoại (khóa máy). Có thể thấy, trong trường hợp này, hành vi của người bạn của bạn đã vi phạm thỏa thuận mượn xe giữa họ và bạn, vi phạm nghĩa vụ của bên mượn. Bởi họ đã không trả lại tài sản đã mượn của bạn, ở đây là chiếc xe của bạn cho bạn mặc dù đã đạt được mục đích ban đầu, tức là thực hiện xong công việc. Đồng thời, họ cũng đã tự ý đem chiếc xe này đi cầm cố, bán cho người khác mà không có sự đồng ý của bạn. Hành vi của người bạn này đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.
Trường hợp này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn có quyền khởi kiện người bạn này ra Tòa án để đòi lại tài sản đã cho mượn. Để thực hiện thủ tục này, kèm theo đơn khởi kiện bạn cần cung cấp đầy đủ các bằng chứng, chứng cứ chứng minh việc bạn cho người bạn của bạn mượn xe và hành vi vi phạm của họ, và bạn phải nộp đơn tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi người bạn đó đang cư trú.
Tuy nhiên, theo thông tin, hiện nay người bạn của bạn đã về quê, bạn không thể liên lạc được, cũng không rõ họ ở đâu, đồng thời, việc cho người bạn đó mượn xe chỉ thỏa thuận bằng lời nói và hành vi thực tế, không có chứng cứ ghi nhận nên tại thời điểm hiện tại bạn chưa thể khởi kiện ra Tòa án.
Mặc dù vậy, khi người bạn của bạn mượn xe của bạn sau đó tự mang đi cầm cố và bỏ trốn về quê, cắt đứt mọi liên lạc với bạn, không trả lại tài sản của bạn thì người bạn này đang có một trong các dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015, cụ thể:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
…”.
Căn cứ theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi khoản 35 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật hình sự 2015 được trích dẫn ở trên, người bạn của bạn mượn tài sản sau đó cố tình không trả, mà đem tài sản này cầm cố để lấy tiền và khóa điện thoại, bỏ trốn về quê, cắt đứt liên lạc với bạn, khiến cho bạn không liên hệ được với người này, không đòi lại được tài sản đã cho mượn, nên người bạn này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, bạn cần làm đơn tố cáo, hoặc đơn trình báo sự việc này lên cơ quan công an để được can thiệp giải quyết.
Từ những cơ sở ở trên, tùy vào từng trường hợp mà bạn có thể làm đơn trình báo lên cơ quan công an hoặc khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, theo thông tin, chiếc xe của bạn là tài sản mà bạn mua từ người em của bạn bằng giấy tờ viết tay, chưa làm thủ tục chuyển quyền sang tên và xe vẫn còn mang biển số tỉnh của em bạn. Trường hợp này, nếu căn cứ theo quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì hợp đồng mua bán xe của bạn và em bạn đã không được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nên có thể bị vô hiệu do vi phạm về mặt hình thức, trừ trường hợp một trong các bên yêu cầu Tòa án công nhận có hiệu lực theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA thì trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe (hợp đồng mua bán xe), người mua xe – ở đây là bạn phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. Điều đó có nghĩa, khi bạn mua xe từ người em của bạn nhưng chỉ ký hợp đồng mua bán giấy tờ viết tay, cũng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền, nên trên mặt giấy tờ pháp lý, bạn chưa được xác định là chủ sở hữu của chiếc xe này, mà chỉ được xác định là người hiện đang quản lý hợp pháp chiếc xe này kể từ thời điểm người em của bạn giao xe cho bạn. Trường hợp này, khi bạn muốn khởi kiện lên Tòa án hay tố cáo lên cơ quan công an, bạn cần có sự hợp tác, phối hợp của chủ xe tức là người em của bạn – người đang đứng tên trên Giấy đăng ký xe thì mới có thể đòi lại chiếc xe được. Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định.
Như vậy, qua phân tích ở trên, người bạn của bạn đã có hành vi vi phạm thỏa thuận mượn tài sản giữa họ và bạn, đồng thời đang có dấu hiệu về việc chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này, vì chưa có đầy đủ chứng cứ và không rõ tung tích của người này nên bạn chưa thể khởi kiện lên Tòa án. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn vẫn có quyền tố cáo lên cơ quan công an để được can thiệp giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!