Có bị xử lý tài sản khi không có khả năng trả nợ không? Chưa hết thời hạn chi trả nợ ngân hàng có phát mại tài sản được không?
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ em có vay vốn ngân hàng 2 tỷ đồng để đầu tư vào chăn nuôi heo. Nhưng đến đầu năm 2017 thì giá heo thụt giảm nghiêm trọng và dẫn đên hậu quả là phá sản vì heo. Vì lý do đó mà gia đình không có điều kiện đóng tiền lời hàng tháng cho ngân hàng...Sau mấy tháng không đóng được thì ngân hàng đã phát mại tài sản của gia đình. Nhưng trong hợp đồng vay tín dụng thì năm 2018 mới hết hạn. Như vậy, gia đinh em cần phai lam gi ạ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Phát triển kinh tế trong bất cứ giai đoạn nào đều được Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức. Bằng chính sách hỗ trợ điển hình như vay vốn từ các tổ chức tín dụng với mức lãi suất thấp đã giúp cho các cá nhân, tổ chức phát triển mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, “thương trường là chiến trường”, con đường kinh doanh chưa khi nào là bằng phẳng khi có không ít trường hợp người vay vốn lâm vào tình trạng khó khăn, dẫn đến phá sản, không có khả năng thanh toán nợ. Vậy thì, các tổ chức tín dụng sẽ xử lý khoản nợ như thế nào trong trường hợp này và người vay tiền cần làm gì để những rủi ro làm thấp nhất?
Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Về bản chất, vay tiền ngân hàng là một hợp đồng vay tài sản nên cần tuân theo các nguyên tắc của hợp đồng vay tài sản. Theo đó, các bên có quyền tự thỏa thuận với nhau về tài sản cho vay, thời hạn trả, phương thức trả. Khi đến hạn, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại và trả lãi (nếu có).
Mẹ bạn vay vốn của ngân hàng với số tiền là 2 tỷ đồng, thời hạn thanh toán là năm 2018 nhưng do mẹ bạn không có điều kiện đóng tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng nên ngân hàng phát mại tài sản của gia đình bạn. Như đã nêu ở trên, hai bên có quyền thỏa thuận về thời hạn trả và bên vay chỉ hoàn thành nghĩa vụ của mình khi đến hạn trả. Việc ngân hàng phát mại tài sản trước thời hạn hợp đồng có đúng hay không thì bạn cần xem xét các điều khoản trong hợp đồng vay của mẹ bạn và ngân hàng. Có hai trường hợp có thể xảy ra:
– Trường hợp 1: Trong hợp đồng hai bên thỏa thuận với nhau nếu mẹ bạn không đóng đủ tiền lãi trong một thời gian nhất định thì ngân hàng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và phát mại tài sản thì việc ngân hàng phát mại tài sản trước năm 2018 là đúng theo hợp đồng và gia đình bạn phải tuân theo.
– Trường hợp 2: Trong hợp đồng không thỏa thuận về điều khoản trên mà chỉ ghi thời hạn thanh toán tiền vay là năm 2018 thì ngân hàng phát mại tài sản của gia đình bạn là trái luật.
Khi tiến hành phát mại tài sản, ngân hàng phải tuân theo quy trình xử lý tài sản bảo đảm.
Căn cứ theo Điều 300 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc thông báo xử lý tài sản bảo đảm như sau:
“Điều 300. Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm
1. Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
2. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.”
Theo đó, trước phi phát mại tài sản, ngân hàng phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho gia đình bạn. Trường hợp ngân hàng không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Tóm lại, nếu ngân hàng phát mại tài sản thuộc vào trường hợp 2 là trái quy định của pháp luật. Việc không tuân theo điều khoản hợp đồng giữa hai bên và vi phạm quy định về việc thông báo xử lý tài sản bảo đảm nếu gây thiệt hại phải bồi thường cho gia đình bạn. Gia đình bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp quận/huyện để được giải quyết. Kèm theo đơn khởi kiện, bạn cần nộp hợp đồng vay tín dụng và chứng cứ chứng minh thiệt hại của ngân hàng gây ra.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!