Có đòi lại đất đã cho người khác mượn không? Trình tự, thủ tục đòi lại đất đã cho người khác mượn.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên Giang, tôi có 1 vấn đề xin được trình bày: Trước đây tôi có 1 mảnh đất có diện tích 50m², có sổ đỏ và người đứng tên là bố tôi. Đó là đất ở của tôi, nhưng tôi chuyển chỗ ở. Và ông hàng xóm đã ý kiến là mượn để canh tác, và tôi cũng cho. Đến bây giờ tôi xin lấy lại mảnh đất đó nhưng họ đã lấy vào trong sổ đỏ của họ mà tôi k hề biết gì. Lúc cho họ mượn có 1số người làm chứng nhưng k có giấy tờ cho mượn. Vậy luật sư cho tôi xin chút ý kiến và liệu tôi có lấy lại được mảnh đất đó k...???
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật đất đai – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Bạn có 1 mảnh đất có diện tích 50m², có sổ đỏ và người đứng tên là bố bạn. Đó là đất ở của bạn, nhưng bạn chuyển chỗ ở. Và ông hàng xóm đã ý kiến là mượn để canh tác, và bạn đồng ý. Đến bây giờ bạn xin lấy lại mảnh đất đó nhưng họ đã lấy vào trong sổ đỏ của họ.
Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.
Do đó, việc bạn có trình bày bạn cho người hàng xóm mượn đất để canh tác nhằm chiếm hữu và sử dụng đất không phải là căn cứ để phát sinh quyền sở hữu tài sản nên dù có mượn bao nhiêu năm thì người mượn cũng không thể trở thành chủ sở hữu đất trên.
Nên người hàng xóm phải có nghĩa vụ theo quy định tại Điều 496 Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ của bên mượn tài sản như sau :
“Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được.”
Do mảnh đất đã có sổ đỏ mang tên bố bạn việc bạn cho hàng xóm mượn đất thì bố bạn có quyền đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thỏa thuận về thời hạn mượn. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thỏa thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật đất đai năm 2013 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết; ”
Theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai năm 2013 về các quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
+ Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố bạn
+ Đất không có tranh chấp;
+ Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Trong thời hạn sử dụng đất.
Nếu đó là đất của bố bạn thì chủ sử dụng đất có quyền khởi kiện tranh chấp đất đai lên tòa án nhân dân nơi có đất để yêu cầu tòa án hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho người hàng xóm.
Thủ tục và hồ sơ để bạn khởi kiện đòi lại đất bao gồm:
+ Đơn khởi kiện
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
+ Các giấy tờ liên quan đến thửa đất.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai thì bố bạn có quyền và nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ. Tức là bố bạn phải đưa ra được những tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của gia đình bạn và giữa bạn và người hàng xóm có sự thỏa thuận hợp đồng mượn tài sản nếu bố bạn không ủy quyền cho bạn thì hợp đồng mượn tài sản giữa bạn và người hàng xóm này bị vô hiệu để tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chỉ có bố bạn là chủ sở hữu đất đó mới có quyền đòi lại tài sản, trừ trường hợp bố bạn đã ủy quyền cho bạn theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Nếu bố bạn có đủ các điều kiện để chứng minh tài sản của bố bạn thì sẽ được đòi lại tài sản và hủy số đỏ của người hàng xóm theo đúng quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật đất đai - nhà ở của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn luật đất đai - nhà đất trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật đất đai tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!