Có được cấp thẻ căn cước công dân khi không có sổ hộ khẩu? Điều kiện, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Tóm tắt câu hỏi:
xin chào LDG cho mình hỏi, mình muốn làm thẻ căn cước công dân để mình vào chùa tu tập xuất gia, mà không có chưng minh thư, gia đình mình thì không có sổ hộ khẩu, mình thì làm sổ kt3 của nhà hàng xóm giúp mình có chứng minh để hợp pháp tới ngày 16 tháng 12 này thì tròn 1 năm, thì họ bán nhà ở chỗ khác, mình không biết phải làm gì, xin chỉ cho mình cách để làm cccd nhanh , lên xã thì họ không chấp nhận , nói mình không hợp pháp, mình phải làm sao đây xin LDG giúp mình xin cảm ơn nhiều....
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
– Luật căn cước công dân 2014;
2.Giải quyết vấn đề:
Theo như bạn trình bày, bạn có nhu cầu cấp thẻ căn cước công dân nhưng không có chứng minh thư nhân dân, không có sổ hộ khẩu gia đình. Thời gian trước bạn có đăng ký tạm trú nhờ ở nhà hàng xóm trong thời gian là một năm. Vậy hồ sơ đăng ký tạm trú của bạn bao gồm những giấy tờ gì? bạn có giấy khai sinh hay không?
Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Quy định về cấp thẻ căn cước công dân được quy định cụ thể tại Luật Căn cước công dân 2014.
* Thủ tục làm thẻ căn cước công dân theo quy định của Khoản 1 Điều 22 Luật Căn cước công dân 2014 quy định như sau:
“- Người làm thẻ căn cước công dân phải Điền vào tờ khai theo mẫu quy định
– Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.”
Như vậy theo quy định thì khi bạn điền vào tờ khai theo quy định, sau đó người được giao nhiệm vụ sẽ kiểm tra, đối chiếu thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác của bạn. Trong trường hợp bạn chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cần phải xuất trình các giấy tờ hợp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu đó.
Tại điểm b, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA quy định như sau:
“b) Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai căn cước công dân với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đãđược kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin hoặc thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai căn cước công dân để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu;
Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu.”
Do đó, nếu bạn chưa có thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia thì bạn cần phải xuất trình sổ hộ khẩu.
Như vậy, trong trường hợp bạn không có sổ hộ khẩu, không có chứng minh thư nhân dân thì bạn sẽ không đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước công dân theo quy định của pháp luật.
Đối với trường hợp này trước tiên bạn cần phải làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú. Căn cứ Điều 5 Nghị định 31/2014/NĐ-CP quy định nơi cư trú của công dân như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Mỗi công dân chỉ được đăng ký thường trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu, sử dụng của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân, tổ chức tại thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại Khoản 1 Điều này, thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống và có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần phải liên hệ với các hộ gia đình người thân hoặc hàng xóm, bạn bè để làm thủ tục đăng ký tạm trú hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú khi có sự đồng ý của chủ hộ nơi bạn ở nhờ. Trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của bạn thì bạn thuộc khoản 2 Điều 5 nên bạn cần phải xin xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi mà bạn đang ở nhờ khi được sự đồng ý của chủ hộ. Sau đó bạn có thể nộp kèm giấy khai sinh gốc hoặc xin trích lúc bản sao giấy khai sinh (trong trường hợp mất giấy khai sinh gốc) và làm đơn trình bày hoàn cảnh cá nhân bạn rồi nộp lên cơ quan công an cấp quận/huyện nơi bạn sinh sống để xem xét làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho bạn.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!