Có được thay đổi nội dung di chúc đã công chứng? Điều kiện hủy nội dung di chúc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư..!! Cho tôi hỏi một số vấn đề như sau: bố tôi mất cách đây 10 năm, có lập 1 bản di chúc để lại quyền thừa kế nhà cho con trai út nhưng lúc đó mẹ tôi không đồng ý vì có đến 3 người con làm như vậy là không công bằng nhưng sau 1 thời gian ông ốm nặng nên bà phải đồng ý ký vào bản di chúc và ra phường công chứng với điều kiện của di chúc là sau khi mẹ tôi mất người con út mới được thừa hưởng, bây giờ mẹ tôi có quyền thay đổi di chúc hay không xin luật sư giải đáp giúp ạ...xin chân thành cảm ơn...!!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp, bố bạn đã mất, mẹ bạn còn sống. Lúc còn sống bố mẹ bạn đã làm di chúc chung, nay mẹ bạn muốn sửa di chúc. Căn cứ theo khoản 2 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.”
Như vậy, phần tài sản của bố mẹ bạn có thể hiểu được chia đôi, khi di chúc để lại bố mẹ bạn lập di chúc chung, bố bạn mất mẹ bạn chỉ được thay đổi phần di chúc của mẹ bạn mà thôi, còn phần di chúc của bố bạn là 1/2 di sản mẹ bạn không thể làm thay đổi được. Căn cứ thêm theo Điều 640 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
“ 1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.”
Theo đó, di chúc hợp pháp đã lập chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc qua đời. Phần của bố bạn có hiệu lực, còn phần của mẹ bạn thì chưa. Trong trường hợp mẹ bạn vẫn còn minh mẫn và không chịu sự đe dọa, lừa dối cưỡng ép nào thì mẹ bạn có thể thay đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ di chúc đã lập phần của mẹ bạn bất kỳ lúc nào, còn phần của bố bạn đã có hiệu lực sau khi bố bạn mất do đó mẹ bạn không thể thay đổi. Khi người lập di chúc tiến hành sửa đổi hay hủy bỏ di chúc thì di chúc mới sẽ có giá trị thay thế.
Hơn nữa, căn cứ theo Điều 56 Luật Công chứng năm 2014:
“Điều 56. Công chứng di chúc
1. Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.
2. Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.
Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.
3. Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.”
Theo khoản 3 của Điều luật trên, mẹ bạn muốn bổ sung, thay đổi di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!