Có thể khiếu nại quyết định điều động của công chức không? Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp nào sẽ không được thụ lý giải quyết.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi đang công tác không vi phạm bất cứ vấn đề gì, tự nhiên tôi nhận quyết định điều động công tác. Theo quy định tại khoản 5, Điều 9 Luật Cán bộ, công chức tôi chấp hành quyết định, tuy nhiên tôi có căn cứ cho rằng quyết định đó trái quy định và xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp chính đáng của tôi nên tôi gởi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Thông báo không thụ lý vì căn cứ Điều 11 Luật Khiếu nại cho rằng quyết định hành chính đó là quyết định hành chính giao nhiệm vụ công vụ, tôi không đồng ý và tiếp tục gởi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ Tịch UBND cấp tỉnh giao cho Sở Nội vụ và thanh tra tỉnh tham mưu. Qua làm việc trao đổi thì Sở Nội Vụ và Thanh tra cho rằng đơn của tôi là đơn kiến nghị chứ không phải khiếu nại và cho rằng Chủ tịch UBND cấp huyện có Thông báo không thụ lý căn cứ điều 11 là đúng. Vậy, tôi muốn Công ty Luật TNHH Dương Gia giúp tôi: quyết định điều động đó tôi có được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công chức không? Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ điều 11 Luật khiếu nại không thụ lý có đúng không? và đơn của tôi Sở Nội Vụ và Thanh tra xác định là đơn kiến nghị có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
+ Luật Cán bộ, công chức 2008;
+ Luật tố tụng hành chính 2015.
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, Luật cán bộ, công chức 2008 quy định về vấn đề điều động công chức như sau:
“Điều 50. Điều động công chức
1. Việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
2. Công chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.”
Cụ thể, việc điều động công tác với công chức chỉ được thực hiện khi thuộc một trong ba trường hợp quy định tại điều 35 Nghị định 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức như sau:
1. Theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể;
2. Chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật;
3. Theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Khi quyết định điều động công tác được ban hành, theo quy định tại khoản 5 điều 9 Luật Cán bộ công chức 2008, bạn có nghĩa vụ chấp hành quyết định trên.
Về quyền lợi, ngoài những quyền lợi cơ bản của công chức như quyền lợi về tiền lương, chế độ làm việc- nghỉ ngơi…thì khi nhận công tác tại vị trí mới, bạn có quyền được quy định tại điều 39 Nghị định 24/NĐ-CP như sau:
“Điều 39. Chế độ, chính sách đối với công chức được điều động
1. Trường hợp công chức được điều động, luân chuyển đến vị trí công tác khác không phù hợp với ngạch công chức hiện giữ thì phải chuyển ngạch theo quy định tại Điều 28 Nghị định này và thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm kể từ ngày có quyết định điều động, luân chuyển”.
2. Trường hợp công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được điều động đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng.
3. Trường hợp công chức được luân chuyển đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong thời gian luân chuyển.
4. Công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.”
Thứ hai, về việc đơn khiếu nại của bạn không được chấp nhận thụ lý giải quyết và việc Sở Nội Vụ cũng như Cơ quan Thanh tra tỉnh cho rằng đơn khiếu nại của bạn bản chất là một đơn kiến nghị.
Qua thông tin bạn cung cấp, mọi vướng mắc, bất đồng trong vụ việc của bạn xuất phát từ quyết định điều động công tác đối với bạn. Về bản chất, cán bộ, công chức làm việc với tư cách là người lao động theo nội dung hợp đồng làm việc mà người sử dụng lao động là Nhà nước và đại diện là cơ quan trực tiếp quản lý, sử dụng cán bộ, công chức. Trong quan hệ lao động nói chung, người lao động phải tuân theo sự sắp xếp về công việc của người sử dụng lao động, đổi lại họ vẫn sẽ được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp và với tư cách là một công chức, bạn có nghĩa vụ thực hiện quyết định điều động công tác của Ủy ban nhân dân cấp Huyện thể theo quy định tại Luật cán bộ công chức 2008 về nghĩa vụ của cán bộ, công chức.
Về bản chất, có thể thấy quyết định điều động công tác nói trên là một quyết định hành chính mang tính chất nội bộ trong cơ quan nhà nước, là một phần của hoạt động tổ chức và duy trì hoạt động của bộ máy công quyền. Do đó, việc Ủy ban nhân dân cấp huyện vận dụng quy định tại khoản 1 điều 11 Luật Khiếu nại 2011 để không thụ lý đơn khiếu nại của bạn là hợp lý:
“Khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết:
1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;”
Căn cứ vào quy định trên, có thể thấy pháp luật không thừa nhận việc khiếu nại đối với quyết định hành chính mang tính chất nội bộ, nên đương nhiên việc Sở Nội vụ và Cơ quan Thanh tra cấp tỉnh xác định đơn khiếu nại về việc điều động công tác của bạn là một văn bản đề nghị là hợp lý.
Đồng thời, bạn cũng cần hiểu rằng, quyết định điều động công tác nói trên cũng không thể là căn cứ để giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng hành chính. Bởi quyết định trên được xác định thuộc nhóm quyết định hành chính mang tính chất nội bộ theo quy định tại khoản 6 điều 3 Luật Tố tụng hành chính 2015:
“6. Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức.”
Do đó khiếu kiện đối với quyết định trên không thuộc trường hợp khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa theo quy định tại điều 30 Luật tố tụng hành chính 2015.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!