Có thể ủy quyền nộp phạt vi phạm giao thông được không? Xử phạt người điều khiển xe thực hiện hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ thưa luật sư, cho cháu hỏi khi cháu đi công việc ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cảnh sát giao thông phạt vì vượt đèn đỏ và bị giam bằng. Hiện tại cháu đã về quê không có mặt tại thành phố, cháu có thể nhờ người thân lấy bằng và nộp phạt không ạ. Nếu có thể thì cháu phải làm gì? Trong khi chờ đợi luật sư trả lời cháu xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
2. Giải quyết vấn đề:
Vì thông tin bạn trình bày không đầy đủ bạn điều khiển phương tiện giao thông là xe máy hay xe ô tô nên căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông như sau:
– Trường hợp điều khiển xe ô tô bạn sẽ bị xử phạt từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“5. Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
…
2. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm e Khoản 4 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm h, Điểm i Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Điểm d Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
…”
– Trường hợp điều khiển xe máy thì sẽ bị xử phạt từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng theo Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều này bị tịch thu thiết bị phát tín hiệu ưu tiên lắp đặt, sử dụng trái quy định;
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm i, Điểm m Khoản 4; Điểm b, Điểm đ Khoản 5; Khoản 6; Điểm a Khoản 7; Điểm a Khoản 8 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
…”
Căn cứ khoản 2 Điều 61 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
2. Đối với trường hợp giải trình bằng văn bản, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải gửi văn bản giải trình cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền có thể gia hạn thêm không quá 05 ngày theo đề nghị của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính tự mình hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình bằng văn bản.
Như vậy, trong trường hợp bạn có lý do không thể đến nộp phạt vi phạm giao thông được thì bạn cần phải làm văn bản giải trình rõ lý do trong thời gian không quá 05 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính hoặc có thể ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình thực hiện việc giải trình đó.
Căn cứ Điều 138 Bộ luật dân sự 2015 quy định đại diện theo ủy quyền như sau:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”
Như vậy, theo quy định thì bạn có thể làm hợp đồng ủy quyền cho người thân của bạn thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính do vi phạm luật giao thông đường bộ.
Căn cứ Điều 526 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Và hợp đồng ủy quyền thì bắt buộc phải công chứng theo Điều 55 Luật công chứng 2014 như sau:
“Điều 55. Công chứng hợp đồng ủy quyền
1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”
Như vậy, đối với trường hợp của bạn thì nếu bạn và người thân của bạn cùng ở nơi cư trú thì bạn và người thân phải cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền. Còn trường hợp bạn và người thân không ở cùng nơi cư trú và không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bạn cần đến tổ chức hành nghề công chứng nơi bạn cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền rồi bạn gửi hợp đồng đó đến nơi người thân bạn cư trú, người thân bạn tiếp tục đến tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng vào hợp đồng ủy quyền đó. Sau đó người thân của bạn có thể sử dụng bản hợp đồng công chứng này để thực hiện hộ bạn việc nộp phạt vi phạm giao thông.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!