Công an giữ phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của người gây tai nạn giao thông. Gây tai nạn giao thông có bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cách đây vài hôm tôi điều khiển xe tải bá đã va chạm với xe máy. Lỗi là do tôi, nhưng người bị nạn không bị gì. Tôi đã lo xong và đã có giấy bãi nại bên bị nạn. Nhưng công an lại nói sẽ tạm giam xe tải 10 ngày. Và giam bằng 3 tháng. Tôi xin luật sư cho tôi biết. Nếu trường hợp ca chạm nhẹ như tôi thì có bị giam bằng 3 tháng hay không?? Tôi xin cảm ơn
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
2. Nội dung tư vấn:
Hiện nay, va chạm giao thông, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra do hành vi vi phạm của một số người tham gia giao thông. Trường hợp này, khi xảy ra va chạm, việc cơ quan công an tạm giữ phương tiện là một trong những việc làm cần thiết trong quá trình xử lý vụ việc. Bởi vậy, thời gian tạm giữ phương tiện là bao lâu, khi nào thì nhận được xe tạm giữ là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là các bên trong một vụ việc tai nạn giao thông, mà trường hợp của bạn là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc tạm giữ phương tiện trong một vụ việc tai nạn giao thông.
Trước hết, theo thông tin, cách đây vài hôm, bạn có điều khiển một chiếc xe tải, va chạm với một chiếc xe máy. Nhận định ban đầu là lỗi thuộc về bạn, tuy nhiên, nạn nhân không bị thương hay bị tổn hại ở đâu. Bạn cũng đã thỏa thuận bồi thường xong và bên bị hại đã có làm đơn xin bãi nại. Tuy nhiên, cơ quan công an vẫn tạm giam xe tải của bạn 10 ngày và giam bằng (tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) trong thời gian 03 tháng.
Có thể thấy, giữa bạn và người đi xe máy đã có sự va chạm giao thông. Va chạm giao thông, theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 58/2009/TT-BCA (C11) được xác định là sự việc xảy ra do người tham gia giao thông đang hoạt động trên mạng lưới giao thông đường bộ vi phạm các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay gặp phải sự cố bất ngờ gây thiệt hại đến sức khỏe của con người hoặc gây thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân dưới mức quy định của vụ tai nạn giao thông gây hậu quả ít nghiêm trọng.
Khi xảy ra một vụ việc tai nạn giao thông, hay va chạm giao thông thì chiếc xe tải của bạn và chiếc xe máy của người bị hại được xác định là những tang vật, vật chứng, thể hiện tình tiết của vụ việc này. Vì vậy, việc cơ quan công an tiến hành tạm giữ phương tiện này làm một điều cần thiết.
Mặc dù vụ việc va chạm giao thông của bạn chưa được xác định có dấu hiệu của một vụ việc hình sự hay không. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, khi tiếp nhận tin báo, tin tố giác về tội phạm thì theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì cơ quan có thẩm quyền có quyền thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ việc để xác minh, điều tra về vụ việc tai nạn này. Đồng thời trong quy định tại Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định:
“Điều 89. Vật chứng
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Chính bởi vậy, khi xảy ra vụ việc tai nạn giao thông, va chạm giao thông, nếu vụ việc có dấu hiệụ về mặt hình sự, cơ quan công an có thẩm quyền phải thực hiện việc tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan đến vụ việc để điều tra, xác minh.
Vụ việc của bạn có dấu hiệu về mặt hình sự khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, như làm chết người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người từ 61% trở lên, hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, theo thông tin, mặc dù có va chạm giao thông với một chiếc xe máy, nhưng đây là va chạm nhẹ, không xảy ra thiệt hại đáng kể gì, người bị hại không có thương tích, nên trường hợp này, vụ việc này được xác định không có dấu hiệu hình sự. Việc tạm giữ xe được thực hiện theo thủ tục hành chính.
Về việc tạm giữ xe tai nạn theo thủ tục hành chính thì căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, xe của bạn và bên bị hại đều có thể bị tạm giữ để thực hiện việc xác minh các tình tiết của vụ việc tai nạn, hoặc để thực hiện việc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm của các bên hoặc để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt sau này.
Trường hợp này, việc tạm giữ xe của bạn sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:.
“Điều 125. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính
…
2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành.
Trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại Điều 79 của Luật này, sau khi nộp tiền phạt lần đầu thì người vi phạm được nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
…
7. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì có thể bị tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời gian chờ ra quyết định không làm ảnh hưởng quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của cá nhân, tổ chức đó.
8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
…
10. Đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Thực tế, trong trường hợp của bạn, cơ quan công an khi phát hiện vụ việc va chạm giao thông giữa bạn và người đi xe máy, đã thực hiện việc tạm giữ phương tiện để điều tra. Và theo thông tin, nhận định vụ việc này không có các dấu hiệu về mặt hình sự, cơ quan công an chỉ thực hiện việc tạm giam chiếc xe tải này 10 ngày. Việc tạm giam này được xác định là phù hợp với quy định tại Điều 125 Luật vi phạm hành chính năm 2012. Sau thời gian 10 ngày kể từ ngày tạm giữ phương tiện, bạn sẽ nhận lại được xe tạm giữ.
Thứ hai, về việc “giam” bằng lái xe của bạn trong thời gian 03 tháng.
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành không có khái niệm “giam” bằng lái xe (Giấy phép lái xe), nên đối với việc cơ quan công an thực hiện việc “giam” bằng lái xe của bạn có thể được hiểu là trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của bạn. Cụ thể:
- Trường hợp việc “giam” bằng lái xe của bạn là tạm giữ bằng lái xe.
Như đã phân tích, vụ việc va chạm giao thông giữa bạn và người điều khiển xe máy là va chạm nhẹ, không xảy ra thiệt hại gì nhiều, cũng không gây thương tích hay tổn hại gì về sức khỏe nên không có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Trường hợp này, việc tạm giữ bằng lái xe của bạn được thực hiện theo theo thủ tục hành chính được quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, và khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thì khi có vụ việc va chạm giao thông, cơ quan công an có quyền tạm giữ bằng lái xe của bạn để xác minh về tình tiết của vụ việc, mà cụ thể ở đây là nhân thân của các chủ thể liên quan trong vụ việc va chạm giao thông. Ngoài việc để xác minh các tình tiết của vụ việc, thì trong trường hợp bạn có hành vi vi phạm giao thông và cơ quan có thẩm quyền chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm giao thông trong vụ việc va chạm này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt vẫn có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe, hoặc giấy phép lưu hành phương tiện cho đến khi bạn chấp hành quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời gian tạm giữ giấy tờ, giấy phép, chứng chỉ chỉ được xác định trong thời gian là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần xác minh thêm thì thời gian tạm giữ có thể được gia hạn thêm nhưng tối đa cũng không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe của bạn sẽ được tính từ thời điểm giấy phép lái xe bị giam giữ thực tế. Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe của bạn không được vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trừ trường hợp tạm giữ để thi hành quyết định xử phạt hành chính.
Trong trường hợp của bạn, mặc dù không nói rõ bạn sẽ bị xử phạt hành chính với hành vi nào trong việc gây ra vụ va chạm giao thông này, nhưng khi cơ quan có thẩm quyền “giam” bằng lái xe – tạm giữ Bằng lái xe của bạn với thời hạn 03 tháng thì hành vi này của cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm thời hạn có thể tạm giữ giấy phép theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Trường hợp này, bạn có quyền khiếu nại về hành vi của cơ quan công an này.
- Trường hợp việc “giam” bằng lái xe của bạn là việc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của bạn.
Trường hợp cơ quan công an tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của bạn trong thời gian 3 tháng thì tại khoản 1 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có quy định:
“Điều 25. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn
1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề”.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì việc tước quyền sử dụng giấy phép, ở đây bao gồm cả Giấy phép lái xe (Bằng lái xe của bạn) được xác định là một hình thức xử phạt hành chính. Điều đó có nghĩa là nếu trong vụ việc va chạm giao thông của bạn và người xe máy, bạn có các hành vi vi phạm giao thông, và hành vi vi phạm này theo quy định của pháp luật được áp dụng hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì cơ quan công an được quyền tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của bạn.
Trường hợp bạn không có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông hoặc có hành vi vi phạm nhưng trong quy định về việc xử phạt đối với hành vi này không có áp dụng hình thức xử phạt là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì cơ quan có thẩm quyền không được tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của bạn. Trường hợp này, nếu cơ quan công an có ra quyết định tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của bạn, bạn có quyền khiếu nại về hành vi này.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, theo thông tin, vụ việc va chạm giao thông của bạn đang trong quá trình điều tra, chưa có quyết định chính thức về mức độ lỗi của các bên, chưa xác định về hành vi vi phạm của các bên hay lập biên bản về hành vi này. Do vậy, trường hợp này, cơ quan công an chưa thể ra quyết định xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của bạn. Nếu sau khi có kết luận chính thức của cơ quan công an về hành vi vi phạm của các bên, lập Biên bản vi phạm hành chính thì về việc có bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hay không, bạn cần căn cứ vào hành vi vi phạm của mình, đối chiếu với quy định về hình thức xử phạt được áp dụng trong quy định của văn bản pháp luật tương ứng, mà ở đây chủ yếu là Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, để xác định cụ thể.
Như vậy, việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính hay tạm giữ Giấy phép lái xe của bạn hoặc việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe của bạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, do thông tin bạn không nêu rõ, nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể. Không phải va chạm giao thông nhẹ thì bạn không bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe hay tạm giữ Giấy phép lái xe, nhưng việc tạm giữ hay tước Giấy phép lái xe cũng không thể tùy tiện mà cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!