Công an mời người bị hại lên trụ sở làm việc qua điện thoại được không? Quy trình xử lý đơn thư tố cáo về hành vi cố ý đánh người gây thương tích.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư! Em gặp một sự việc như sau ak. Trước đây do có mâu thuẫn với một đối tượng và đối tượng đó đã lôi kéo nhiều đối tượng khác để uy hiếp tấn công em . Khi đó em tự vệ lại và có gây thương tích cho một đối tượng là A. Em đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải đền bù thiệt hại cho đối tượng A. Một thời gian sau trên đường đi em bị đối tượng A kia chặn đường và dùng rùi cui điện tấn công em, và bảo đưa xe đây. Em sợ quá nên bỏ chạy và kêu cứu , đối tượng A kia đuổi theo và lúc đó có một đối tượng B khác dùng xe đạp lao vào người em để chặn lại và dùng gạch lao vào cùng đối tượng A tấn công em. Khi xảy ra sự việc em được người nhà đưa đi bệnh viện và có trình báo với cơ quan công an huyện. Cơ quan công an huyện cũng đã cử cán bộ đến lấy lời khai của em. Do đối tượng A kia có người nhà làm ở cơ quan công an huyện và chính người nhà của đối tượng A là người phụ trách sự việc nên mọi thứ đã bị can thiệp và có những điều không hợp lý và em không đồng ý cách giải quyết đó. Từ khi đó bên cơ quan công an cũng không có câu trả lời sẽ giải quyết thế nào. Sau một thời gian em có làm đơn gửi đến cơ quan công an huyện thì được một điều tra viên liên hệ điện thoại và mời đến để xác minh. Em có hỏi đồng chí điều tra viên là cần xác minh điều gì? Trong khi hồ sơ lấy lời khai từ khi xảy ra vẫn còn đó. Khi đó đồng chí điều tra viên đó nói là chưa tìm thấy và nhất quyết là em phải đến cơ quan công an huyện để lấy lời khai và xác minh.Như vậy cơ quan công an có làm đúng theo quy định của pháp luật không và em nên làm gì? Do thiếu sự hiểu biết về pháp luật nên em ( cháu ) mong muốn nhận được sự hỗ trợ , tư vấn từ văn phòng luật sư để có thể đòi lại sự công bằng và dăn đe tội phạm mang lại sự bình an cho xã hội. Em ( cháu) xin cám ơn .
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hình sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Việc triệu tập, mời người bị hại, bị cáo hay các đối tượng có liên quan khác đến trụ sở công an để làm việc là một việc làm cần thiết trong quá trình điều tra, xác minh một sự việc, nhất là vụ việc có dấu hiệu hình sự. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người điều tra viên vì nhiều lý do như thuận tiện liên lạc, hoặc vì lý do cá nhân mà mời người bị hại lên làm việc bằng việc gọi điện thoại, mà không bằng văn bản giấy mời hay giấy triệu tập. Trường hợp của bạn cũng là một trường hợp như vậy. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về việc giải quyết vụ việc, đơn tố cáo của bạn.
Trước hết, theo thông tin, do nhiều mâu thuẫn với một đối tượng, nên bạn đã bị tấn công bằng dùi cui điện, bị cướp xe và dùng xe đạp đâm vào người, bị tấn công bởi gạch với nhóm đối tượng này. Bạn đã có trình báo lên cơ quan công an và cũng đã được điều tra viên lấy lời khai. Tuy nhiên, sự việc đến thời gian này vẫn chưa được giải quyết, dù bạn đã kịp thời làm đơn lên cơ quan công an. Sau một thời gian, mặc dù đã được lấy lời khai trong thời gian trước đó, nhưng một đồng chí điều tra viên vẫn gọi điện thoại cho bạn và mời bạn lên trụ sở công an để xác minh.
Có thể thấy, trong vụ việc này, bạn là người đã trình báo lên cơ quan công an về hành vi cố ý gây thương tích của một nhóm đối tượng đối với bạn. Bạn cũng là người bị thương tích, bị tổn hại sức khỏe bởi hành vi tấn công, cố ý gây thương tích của nhóm người trên. Trường hợp này, về mặt nguyên tắc, khi bạn có đơn tố cáo, tố giác về hành vi phạm tội cố ý gây thương tích của nhóm người kia đối với bạn thì cơ quan điều tra phải thực hiện giải quyết tin tố giác, tin báo về tội phạm.
Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, khi tiếp nhận tin báo, tin tố giác về tội phạm thì cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ các cá nhân tổ chức có liên quan, khám nghiệm hiện trường, trưng cầu giám định… để điều tra, xác minh các tình tiết của vụ việc. Trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được tin báo từ bạn, cơ quan điều tra qua quá trình điều tra, xác minh sự việc và phải ra một trong các quyết định:
Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp vụ việc của bạn có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn cơ quan điều tra giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của bạn có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, sau khi bạn là đơn tố cáo lên cơ quan công an về việc một nhóm đối tượng gây thương tích cho bạn thì cơ quan công an cũng đã đến lấy lời khai của bạn. Tuy nhiên, bạn cũng không nói rõ, bạn nộp đơn vào thời điểm nào, tính đến thời điểm này, đã là bao lâu, đã có quyết định khởi tố vụ án hay chưa, cơ quan điều tra đã thực hiện việc thu thập các thông tin, chứng cứ, xác minh sự việc hay chưa. Nếu quá thời hạn được quy định theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được trích dẫn ở trên, mà vụ việc của bạn không được giải quyết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có quyền khiếu nại về hành vi chậm giải quyết tin báo tố giác tội phạm của cơ quan công an.
Thứ hai, về việc điều tra viên gọi điện thoại mời bạn lên cơ quan công an để xác minh về sự việc của bạn.
Như đã phân tích, vụ việc của bạn có thể có dấu hiệu về mặt hình sự hoặc không, và việc xác định đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không khởi tố vụ án hình sự là một trong những căn cứ quan trọng để xác định vụ việc này đang trong quá trình giải quyết tin báo về tội phạm do bạn cung cấp hay đang trong quá trình điều tra vụ án hình sự. Từ đó, có thể xác định được tư cách của bạn trong vụ việc này, làm cơ sở để xác định về tính hợp pháp về hành vi gọi điện thoại mời bạn lên làm việc của điều tra viên.
Nhưng do thông tin cung cấp, bạn không nói rõ, vụ việc của bạn đang ở giai đoạn nào, đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự hay chưa nên khi xem xét việc điều tra viên gọi điện thoại mời bạn lên để xác minh sẽ có hai trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Vụ việc đang trong quá trình xác minh, giải quyết tin báo về tội phạm, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Khi vụ việc cố ý gây thương tích đối với bạn đang trong quá trình điều tra xác minh, thì bạn chỉ được xác định là người cung cấp tin báo, tố giác về tội phạm và là người đang bị tổn hại về sức khỏe do hành vi của một nhóm đối tượng gây ra. Trường hợp này, hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể về việc có được phép mời người tố giác tội phạm đến trụ sở làm việc bằng điện thoại hay không, hay phải bằng giấy mời, mà chỉ quy định chung về việc khi tiếp nhận tin báo, tin tố giác thì cơ quan điều tra có quyền thu thập thông tin, xác minh về sự việc. Do vậy, nếu điều tra viên gọi điện thoại hay gặp mặt trực tiếp bạn để thu thập thông tin nhằm xác minh tin báo tin tố giác tội phạm mà bạn cung cấp thì việc làm này cũng không bị coi là trái pháp luật.
Mặc dù cơ quan công an, cơ quan điều tra tiếp nhận tin báo, tin tố giác về tội phạm được quyền thu thập, thông tin để xác minh, tuy nhiên, họ cũng không có quyền ép buộc người tố giác, cung cấp tin báo về tội phạm phải có mặt tại cơ quan điều tra thông qua liên hệ qua điện thoại. Trong trường hợp của bạn, theo thông tin, khi thực hiện việc tố cáo, tố giác tội phạm về vụ việc cố ý gây thương tích cho bạn, cán bộ điều tra cũng đã thu thập và xác minh thông tin về vụ việc, bạn cũng đã cung cấp những thông tin cần thiết và được ghi nhận lại trong hồ sơ trước đó. Nhưng khi điều tra viên lần này gọi điện, yêu cầu bạn lên trụ sở làm việc, xác minh lại sự việc nhưng không nói rõ xác minh về vấn đề gì, cũng không nêu rõ quyền, lợi ích của bạn. Đồng thời, đã có hồ sơ lưu lại về việc cung cấp lời khai trước đó nhưng điều tra viên lại giải thích là không tìm thấy, yêu cầu bạn lên xác minh lại. Có thể thấy, trong nội dung giải thích về việc mời bạn lên làm việc bằng điện thoại của điều tra viên có nhiều điểm nghi vấn, có sự mâu thuẫn, không rõ ràng. Việc liên lạc qua điện thoại, cũng gây khó khăn cho bạn trong việc xác định về thông tin và nhân thân của người tự xưng là điều tra viên. Do vậy, trường hợp này, khi bạn không xác định được mình tham gia tố tụng với tư cách gì (người làm chứng, người bị hại..), cũng chưa được giải thích quyền và nghĩa vụ của mình hay chưa xác định được thông tin của người điều tra viên thì bạn có quyền từ chối làm việc. Việc từ chối làm việc của bạn cũng không bị coi là trái pháp luật.
Trường hợp 2: Vụ việc của bạn đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, đang trong quá trình điều tra.
Khi vụ việc đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự, thì xem xét trong vụ việc cố ý gây thương tích đã xảy ra với bạn, theo thông tin, bạn được xác định là người bị tổn hại về tinh thần, sức khỏe bởi hành vi dùng gạch đá, dùi cui điện, xe đạp tấn công bạn của nhóm người kia, dẫn đến hậu quả bạn phải nằm viện. Trường hợp này, khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì bạn được xác định là người bị hại trong vụ án này, bởi theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định:
“Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.”
Khi bạn được xác định là người bị hại thì bạn là một người tham gia tố tụng hình sự, thì căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, điều tra viên – người được phân công tiến hành một số hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự này có quyền triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị hại. Đồng thời, tại khoản 4 Điều 62 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng có quy định, người bị hại có nghĩa vụ:
“Điều 62. Bị hại
…
4. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.”
Từ những căn cứ pháp lý được xác định ở trên thì, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, điều tra viên – người phụ trách khởi tố, điều tra vụ án hình sự liên quan đến vụ việc của bạn có quyền yêu cầu bạn – người bị hại đến trụ sở làm việc để lấy lời khai để xác minh vụ việc. Việc liên hệ người bị hại đến làm việc có thể thực hiện thông qua việc gửi giấy mời, liên hệ trực tiếp, gửi giấy triệu tập,… Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật, người bị hại chỉ có nghĩa vụ bắt buộc phải có mặt theo Giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, chứ không quy định về việc bắt buộc người bị hại phải có mặt theo Giấy mời hay các hình thức liên hệ khác.
Đồng thời tại tiểu mục 1.4, mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 có quy định:
“1. Về việc triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lấy lời khai người bị tạm giữ
…
1.4… Nghiêm cấm Điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời. Trước khi triệu tập hoặc mời thì Điều tra viên phải tính toán về thời gian, về việc đi lại của người được triệu tập để tránh gây phiền hà về thời gian hoặc đi lại nhiều lần của người được triệu tập hoặc được mời. Nếu người được triệu tập hoặc được mời ở quá xa trụ sở của Cơ quan điều tra thì có thể triệu tập hoặc mời họ đến trụ sở Công an nơi ở hoặc nơi làm việc của họ để lấy lời khai hoặc báo cáo đề xuất Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án thực hiện việc ủy thác điều tra.”
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 1.4, mục 1 Thông tư 01/2006/TT-BCA (C11) được trích dẫn ở trên, khi đã có quyết định khởi tố vụ án, xác định bạn là một người tham gia tố tụng, cụ thể ở đây là người bị hại mà Điều tra viên, trong quá trình điều tra gọi điện thoại để liên hệ yêu cầu bạn đến làm việc, xác minh vụ việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời, thì trường hợp này, người Điều tra viên này đang làm trái quy định của pháp luật. Bạn có quyền từ chối làm việc và tố cáo, phản ánh hành vi của người Điều tra viên lên cơ quan của họ để được giải quyết.
Như vậy, qua phân tích ở trên, dù vụ việc của bạn đã có quyết định khởi tố vụ án hay chưa, đang ở giai đoạn giải quyết tin báo, tin tố giác tội phạm, hay ở giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì khi người Điều tra viên gọi điện thoại cho bạn yêu cầu bạn đến làm việc mà không có kèm theo việc gửi Giấy mời hay Giấy triệu tập thì bạn có quyền từ chối làm việc nếu bạn không muốn. Việc gọi điện thoại để mời bạn lên trụ sở Cơ quan công an để làm việc có đúng pháp luật hay không còn phụ thuộc vào từng trường hợp, bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!