Công ty giữ tiền trợ cấp thôi việc của nhân viên không trả? Chưa bàn giao công việc và giấy tờ tạm ứng chưa hoàn ứng nên không được nhận trợ cấp thôi việc.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có một khoản tạm ứng tiền của cơ quan từ những năm 2011, 2012, 2013 (60.000.000₫) để thực hiện công việc chung của cơ quan, các công việc đó đều đã được quýêt toán tài chính xong. Các thủ tục chứng từ như hóa đơn, hình ảnh....tôi đã đưa cho kế toán. Hiện tại cơ quan tôi chuẩn bị cổ phần khi kiểm tra chứng từ tôi mới biết là số tiền tôi tạm ứng từ mấy năm trước vẫn chưa được hoàn ứng, hỏi kế toán chứng từ tôi đã đưa cho đâu thì họ bảo bị mất. Tôi đã xin nghỉ việc từ tháng 1/2018, tôi được giải quýêt tiền chế độ theo quy định của pháp luật, xong cơ quan không chi trả cho tôi với lý do tôi vẫn còn chưa hoàn ứng xong. Vậy cho tôi hỏi cơ quan tôi làm vậy có đúng không? Tôi mong lụât sư tư vấn giúp tôi. Tôi chân thành cám ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Hiện trạng người lao động sau khi nghỉ việc ở công ty bị doanh nghiệp giữ lại quyền lợi liên quan đến tiền lương, trợ cấp và các giấy tờ khác diễn ra khá phổ biến. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền lợi của người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt hiệu lực. Tuy nhiên, pháp luật lao động vẫn luôn có những cơ chế nghiêm minh, bảo vệ quyền lợi của người lao động – bên yếu thế trong mối quan hệ với chủ sử dụng lao động.
Giữa bạn và công ty phát sinh một quan hệ lao động, có ký kết hợp đồng lao động và đã chấm dứt quan hệ này kể từ tháng 01/2018. Căn cứ theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Từ những quy định trên đây, nhận thấy khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ phát sinh trách nhiệm của công ty đối với bạn trong việc thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn trong thời hạn 07 ngày làm việc, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tối đa tới 30 ngày và ngược lại cũng đặt ra trách nhiệm bàn giao của bạn với công ty trong cùng một thời gian này.
Như bạn đã trình bày, khi chấm dứt hợp đồng lao động vào tháng 01/2018, bạn đã bàn giao đầy đủ chứng từ (hóa đơn, hình ảnh…) về khoản tạm ứng tiền của cơ quan những năm 2011 – 2013, quyết toán tài chính công việc năm đó cho kế toán để họ tiến hành công việc hoàn ứng số tiền đã tạm ứng, tức bạn đã thực hiện hoàn tất nghĩa vụ bàn giao của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mặc dù công ty đưa ra lý do bạn chưa hoàn ứng xong nên không trả các quyền lợi cho bạn nhưng trách nhiệm của bạn chỉ dừng lại ở việc bàn giao giấy tờ, công việc. Khi chấm dứt hợp đồng, bạn đã chuyển giao đầy đủ hồ sơ, việc hoàn ứng cũng đã bàn giao cho kế toán khác của công ty, việc không hoàn ứng được là do lỗi của người này làm mất giấy tờ thì nếu có căn cứ chứng minh bạn đã bàn giao đầy đủ thì không thể đặt ra trách nhiệm của bạn là chưa hoàn ứng được.
Ngược lại, công ty có hành vi không chi trả các quyền lợi cho bạn khi chấm dứt hợp đồng lao động là vi phạm quy định tại Khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012. Khi đó, nếu bạn có đơn khiếu nại gửi tới Chánh thanh tra Sở lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở thì công ty có thể bị xử phạt như sau theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
– Xử phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng;
– Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc (nếu có) cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho bạn.
– Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của bạn.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!