Công ty không có thông báo cho người lao động nghỉ phép năm. Công ty không chi trả phép năm có bị xử phạt không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào. Em xin hỏi về chi trả phép hàng năm. Em hiện làm cty M đã 10 năm,hợp đồng 3 năm, từ trước tới 2016 thì cty trả tiền phép nhưng năm nay không trả lương hay có thông báo cho người lao động về kế hoạch để nlđ nghỉ phép. Xin hỏi như vậy thì tôi phải làm sso, cty họ có vi phạm luật pháp ko. Xin đựoc tư vấn, xin cám ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Ngoài thời gian nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ tết, nghỉ việc riêng thì nghỉ hằng năm là thời gian mà người lao động được quyền nghỉ ngơi,hoặc giải quyết các công việc cá nhân. Khi nghỉ trong những ngày nghỉ phép hàng năm người lao động sẽ được hưởng nguyên lương, đây là quyền lợi mà người sử dụng lao động phải đảm bảo thực hiện cho người lao động.
Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau:
“Điều 111. Nghỉ hằng năm
1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.
3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”
Như vậy theo quy định của pháp luật, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì sẽ có quyền lợi được nghỉ hàng năm, đối với những ngày nghỉ hàng năm này khi nghỉ sẽ được hưởng nguyên lượng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, xác định ngày nghỉ theo sự thỏa thuận của hai bên hoặc sau khi tham khảo ý kiến của người lao động người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm nhưng phải thông báo trước cho người lao động biết.
Mặt khác nếu người lao động không nghỉ ngày nghỉ phép hay nghỉ chưa hết phép thì người sử dụng lao động phải thanh toán bằng tiền cho người lao động căn cứ theo Điều 114 Bộ luật lao động 2012:
“Điều 114. Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ
1. Người lao động do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ.
2. Người lao động có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền”.
Như vậy, nếu ngày nghỉ hàng năm được thực hiện dưới hình thức là ngày nghỉ thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thông báo lịch nghỉ cho người lao động biết trước, nếu ngày nghỉ hàng năm được thực hiện dưới hình thức thanh toán bằng tiền thì người sử dụng lao động phải chốt ngày nghỉ để chi trả bằng tiền. Nếu người sử dụng lao động vi phạm quy định về việc cho người lao động nghỉ hàng năm thì người lao động có quyền đề nghị lên công đoàn, hoặc khiếu nại lên phòng thanh tra lao động thuộc Sở lao động thương binh xã hội để đòi quyền lợi
Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt theo Khoản 2 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
“2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!