Công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động xử lý thế nào?Công ty bị xử phạt như thế nào khi không đóng bảo hiểm cho người lao động?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào luật sư. Cho em hỏi vấn đề về việc đóng bảo hiểm ở công ty. Trước em làm việc ở 1 công ty gần được 2 năm và đã ký hợp đồng 2 năm từ năm 2016-2018. Trong hợp đồng có ghi mục đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Nhưng đã nhiều lần em yêu cầu công ty nhưng bên công ty không đóng bảo hiểm cho em. Đến tháng 2 vừa rồi em đã nghỉ việc tại công ty, Vậy em có được quyền lợi hay chế độ gì bên phía công ty không ạ. Em xin cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý:
–Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
2.Giải quyết vấn đề:
Bạn là người lao động của công ty nên bạn là đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc theo quy định Điểm a Khoản 1 và Khoản 3 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.”
Theo quy định trên, khi công ty ký hợp đồng với bạn có thời hạn từ 2 năm – hợp đồng xác định thời hạn sẽ phải tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn. Do đó, khi công ty không đóng bảo hiểm cho những người lao động ký loại hợp đồng này là đã vi phạm tại Khoản 1 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:
“Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.”
Với thông tin bạn đưa ra thì công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn thì bị xử phạt vi phạm hành chính vì đã vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Căn cứ theo quy định tại điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP và khoản 1 điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP đã của được sửa đổi tại khoản 19 điều 1 của Nghị định 88/2015/NĐ-CP tại như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
– Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
+ Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
+ Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;
+ Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
– Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
– Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định đóng bảo hiểm xã hội
+ Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội
Trước hết để đảm bảo quyền lợi để bạn không bị thiệt thòi về thời gian đóng bảo hiểm xã hội không được đóng thì bạn có thể làm đơn yêu cầu công ty truy nộp đủ số tiền bảo hiểm xã hội cho bạn, nếu công ty không đồng ý thì bạn có thể làm đơn tố cáo gửi ra Thanh tra Sở lao động thương binh xã hội để thanh tra tiến hành điều tra và xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội của công ty bạn, buộc truy thu số tiền bảo hiểm của công ty trốn đóng, hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!