Công ty mất tài sản nhân viên có phải bồi thường không? Công ty có quyền khấu trừ hết tiền lương của người lao động không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào luật sư, Hôm nay, em muốn hỏi luật sư một số vấn đề liên quan đến việc bồi thường tài sản cho công ty. Mong được luật sư giúp đỡ. Em cảm ơn. Sau đây, em xin trình bày một số vấn đề rắc rối mà em đang gặp phải: Vấn đề 1: Tháng 5/2016 em có xin vào làm việc tại Công Ty X. Tháng 6/2016 công ty X khai trương thêm CH tai NLB và cho em làm cửa hàng trưởng tại Cửa hàng mới đó. Em làm được 1 năm ở đó. Do không tạo ra được lợi nhuận vì cửa hàng vắng khách nên đã đóng cửa. Mô hình cửa hàng ngày đó em làm là mô hình 3 in 1. Bao gồm: cửa hàng, kho và văn phòng. Tháng 6/2017 cửa hàng đó đóng cửa. Trong quá trình kiểm kê hàng hoá để chuyển cửa hàng thì phát hiện ra số hàng hoá bị chênh lệch 30 triệu ( thừa 40 tr, thiếu 70 triệu). Và thay vào báo kế toán, giám sát cửa hàng là Anh A đã giúp cửa hàng bằng cách chuyển không số hàng thừa thiếu kia sang cửa hàng Time City. Và báo kế toán là số liệu đẹp, không bị lệch. Theo anh A là để trong quá trình làm việc sẽ bán số hàng thừa đi để bù vào hàng thiếu Vấn đề 2: Khi cửa hàng tại NLB đóng cửa, em chuyển công tác về cửa hàng Time City làm việc với chức danh nhân viên bán hàng. Em về Time làm được 1 tháng thì công ty X khai trương thêm cửa hàng trên vincom bà triệu. Lần này, công ty lại điều em về làm cửa hàng trưởng tại đó. Những ngày đầu chưa có nhân viên, em và anh A giám sát cửa hàng cùng nhau nhập hàng trong Sài Gòn chuyển ra để trưng bày cửa hàng trên Vincom chuẩn bị khai trương. Trong quá trình lên hàng em và anh A do chủ quan nên đã bị thiếu 1 bộ ly rươu giá khoảng 24tr, 1 khay thiên thần khoảng 16tr. Trên sổ sách giấy tờ là có nhưng thực tế không có. Anh A là ngưoi đọc mã hàng còn em là người tra mã hàng trên phiếu xuất kho để tích vào. Tổng là 40tr thì em với anh A bị công ty bắt đền mỗi ngưoi 20 triệu. Vấn đề thứ 3: Thời gian làm việc tại CH NLB thì nhân viên CH NLB có mượn CH Time City 1 máy trộn KitchenAid để khách xem hàng. Nhưng do sát nút chuyển CH NLB nên cái máy đo chưa trả lại CH Time City được mà chuyển về kho Hà Nội. Lúc đó, em do có 1 mình làm tại Vincom bận nên đã nhờ anh B cửa hàng Time City là xuống kho chở về giúp. Anh B đồng ý nhưng cũng chưa xuống kho lấy máy về. Xong anh B nghỉ việc và cái máy vẫn ở kho Hà Nội. Một thời gian sau kiểm kê cửa hàng thiéu cái máy đó. Lúc đấy, xuống kho Hà Nội lấy về thì chị C quản lý ở đó không cho lấy về với lý do là kho thừa cái máy đó nhưng cũng thiéu cái khác. Và công ty bắt em đền 40% cái máy đó khoảng hơn 7 triệu Vấn đe 4: Khi chuyển hàng từ cửa hàng NLB về kho Hà Nội bị mất một con công mạ vàng giá 11tr không rõ nguyên nhân. Công ty bắt em phải chịu 50% là 5tr5 ** Em vừa trình bày 4 vấn đề liên quan đến việc bồi thương hàng hoá cho công ty. Em xin trình bày thêm ạ: Khi đó cớ người đã tố cáo lên giám đốc việc các cửa hàng bị thất thoát. Cửa hàng Lottle mất gần 200 triệu. Cửa hàng NLB 30tr, CH vincom hơn 10tr nên giám đốc đã tổ chức họp. Em cũng kể đúng sự thật như trên em trình bày. Giám đốc bảo tất cả nhân viên là viết 1 bản cam kết và xin hỗ trợ giảm giá cho nhân viên khoảng 60-70%. Hôm sau, chị M giám sát cửa hàng đã cho họp lại các nhân viên và yêu cầu viết bản cam kết và xin hỗ trợ đền bù. Tất cả các bạn Cửa hàng trưởng đều viết. Em cũng viết. Nhưng khi viết xong, công ty hỗ trợ giảm giá cho tất cả nhân viên 70%. Còn riêng em công ty bắt đền 100% số tiền hàng theo giá bán của công ty là 57 triệu. Công ty đã không giữ lời hứa như ban đầu. Em lúc đó đang mang bầu 3 tháng cuối thai kỳ nên uất ức lắm nhưng rồi cũng kệ. Em hỏi chị M giám sát tại sao không hỗ trợ em thì chị ấy bảo là do em chuyển hàng khống sang CH Time City. Mà cái đó em cũng chỉ là nghe theo chỉ đạo từ anh A. Anh A là người chủ mưu trong việc này. Nhưng bây giờ khi chính anh ta đang gặp nạn, anh ta đã đổi hết tội sang em để trốn tránh trách nhiệm. Anh ta bảo là em chủ mưu, em cầu xin anh ta chuyển hàng sang CH Time city. Thiết nghĩ, em có chủ mưu bảo anh ta chuyển hàng sang CH Time city đi chăng nữa thì anh ta là giám sát, anh ta k đồng ý em làm làm sao được ạ. Mà rõ ràng là anh ta nghĩ ra kế hoạch đó chứ không phải em. 3 tháng cuối thai kỳ em đi làm công ty trừ hết lương của em. 1 tháng em đi làm được 300k/ tháng và trừ luôn tiển cọc 3 triệu đồng khi em mới vào làm. Vừa rồi, công ty còn định giữ luôn tiền bao hiểm thai sản của em không trả với lý do trừ vào tiền hàng. Nhưng em không chịu, em đã viết mail lên công ty yêu cầu hoàn trả em tiền bảo hiểm thai sản nếu không em sẽ nhờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Cuối cùng, công ty đã trả lại em số tiền đó. Và yêu cầu em sau thời gian 6 tháng nghỉ em phải quay lại công ty làm để trừ nợ số tiền 57 triệu. Nhưng hiện tại, con em còn quá nhỏ, 1 bé 4 tuổi và 1 bé 4 tháng lại không có ai trông con để đi làm lại. Em đang hoang mang quá. Vì bây giờ nếu em không đi làm em phải đền công ty 57 triệu đồng. Mà thật sự em ức quá. Trong số đó phải đến gần 40 triệu em bị đền oan. Và ức vì công ty này không có tình người, vô nhân đạo. Khách hàng mua còn được giảm giá 50%. Em nhân viên công ty bắt đền 100% giá bán mà giá nhập rẻ hơn giá bán mấy lần. Đó là câu chuyện của em. Em kính mong luật sư giúp đỡ em, xem em làm như thế nào để có thể bồi thường công ty số tiền thấp nhất có thể và em có bị vi phạm pháp luật không ạ? Em xin chân thành cảm ơn! Tạ Thuý Hằng
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý:
2.Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động nhưu sau:
“Điều 130. Bồi thường thiệt hại
1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.”
Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ – CP hướng dẫn về bồi thường thiệt hại như sau:
” ……
2. Người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
b) Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao
c) Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.”
Theo đó, nếu người sử dụng lao động muốn yêu cầu người lao động chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước hết cần phải chứng minh được lỗi của người lao động. Hay nói cách khác, người sử dụng lao động phải cung cấp được những chứng cứ chứng minh người lao động có hành vi gây thiệt hại về tài sản cho đơn vị, và có lỗi (lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý). Khi không phải do lỗi của 6 nhân viên thì bên người lao động không phải bồi thường. Trường hợp của bạn, có thiệt hại thực tế xảy ra là thất thoát hàng của công ty và lỗi thuộc về phía bạn( do trong quá trình bạn quản lý mà bạn gây thất thoát hàng hóa) thì việc công ty yêu cầu bạn bồi thường là có căn cứ pháp luật. Việc công ty yêu cầu bạn bồi thường 100% nhưng các nhân viên khác chỉ phải bồi thường 70% thì bạn có thể yêu cầu công ty xem xét giảm mức bồi thường phù hợp mức lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Về thời gian trả lương: Căn cứ theo Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ–CP quy định nguyên tắc trả lương như sau:
– Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
– Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 01 tháng. Việc người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động do trả lương chậm được quy định như sau:
+ Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày thì không phải trả thêm;
+ Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
Về việc công ty khấu trừ tiền lương của bạn để thực hiện việc bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
Điều 101 Bộ luật lao động 2012. Khấu trừ tiền lương
“1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.”
Như vậy, người sử dụng lao động khấu trừ tiền lương của bạn để bồi thường thiệt hại là hoàn toàn đúng nhưng chỉ được khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập. Như vậy, công ty đã khấu trừ hết tiền lương và tiền thai sản của bạn để trừ khoản bồi thường vật chất trên là trái pháp luật. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, bạn nên là đơn gửi lên ban giám đốc để yêu cầu xem xét hoặc Phòng lao động và xã hội để được hỗ trợ.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!