Công ty thuê đất để làm kho nhưng không trả tiền thuê xử lý thế nào? Cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi có cho 1 công ty thuê đất để làm kho thời hạn giao tiền là 1/6 hàng năm nhưng phía công ty không trả tiền thuệ đất. Đồng thời lúc xây dựng kho mua vật tư thiếu, người ta không trả tiền số tiền 80 triệu tiền thợ 20 triệu và có mượn gia đình tôi 10 triệu nhưng không trả mà bỏ trốn về thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình tôi gọi điện lúc đầu còn nghe máy nói vài ngày xuống trả nhưng không xuống sau đó gọi điện thì bắt máy nhưng nói không trả, kêu gia đình tôi cứ đi thưa đi. Khoảng 1 tháng sau gia đình tôi phát hiện công ty đó lấy giấy tờ đất và hợp đồng thuê đất với gia đình tôi đi thế chấp vay mua 1 chiếc xe 729 triệu ngân hàng xuống định giá cái kho gia đình tôi can ngăn với lý do phía công ty còn nợ tiền dất chưa trả tiên thợ tiền mượn…Sau đó tôi sợ công ty dem hợp đồng với giấy tờ của gia đình tôi đi lừa gạt chổ khác nên tôi có đăng lên facebook nói công ty nay còn nợ tiền tôi các khoản….và các nơi xem chừng bị công ty này lừa gạt. Việc tôi đăng như vậy có vi phạm pháp luật không? Xin nhờ luật sư tư vấn dùm cách khởi kiên như thế nào? Xin cám ơn luật sư rất nhiều.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như bạn trình bày, bạn có cho một công ty thuê đất làm kho, hàng năm cứ đến ngày 1/6 công ty phải trả tiền thuê đất và gia đình bạn còn cho bên công ty thuê vay 10 triệu đồng, nhưng công ty không trả tiền thuê và tiền vay. Sau đó, gia đình bạn có phát hiện công ty đó lấy giấy tờ đất va hợp đồng thuê đất với gia đình bạn đi thế chấp tại Ngân Hàng vay mua 1 chiếc xe 729 triệu.
Thứ nhất, với hành vi của bạn khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội với nội dung “công ty nay còn nợ tiền tôi các khoản….và các nơi xem chừng bị công ty nay lừa gạt” như vậy là hành vi vi phạm pháp luật. Vì bạn không có đầy đủ căn cứ chứng minh để cho rằng công ty đó có hành vi lừa đảo nên việc làm này của bạn đã làm ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của công ty.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp khi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, bạn phải buộc phải xin lỗi công khai và tháo gỡ bài viết xuống và căn cứ theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 thì bạn phải bồi thường cho công ty uy tín của công ty bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.Bạn còn phải bồi thường một khoản tiền khác đề bù đắp tổn thất về mặt tinh thần mà công ty đó phải gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận.
Thứ hai, bạn muốn làm đơn khởi kiện công ty.
+ Về hợp đồng thuê tài sản:
Căn cứ theo Điều 472 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hai bên sẽ thỏa thuận về giá thuê, thời hạn thuê, phương thức thanh toán.
Theo Điều 481 Bộ luật dân sự 2015 quy định bên thuê phải có trách nhiệm trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận. Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
+ Về hợp đồng vay tài sản:
Căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tải là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lương và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Pháp luật quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:
– Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
– Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
– Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.
+ Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn và công ty có ký hợp đồng cho thuê đất để làm kho. Nhưng khi đến hạn bên công ty vẫn không trả tiền thuê theo thỏa thuận và cả số tiền vay 10 triệu đồng. Như vậy, công ty đã không thực hiện đúng theo nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Do vậy, bạn hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện đòi tài sản ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở. Kèm theo đơn khởi kiện bạn gửi kèm theo các tài liệu căn cứ chứng minh về việc cho thuê đất và việc cho vay 10 triệu đồng như: hợp đồng thuê đất, giấy vay tiền, tin nhắn, ghi âm, video,…
Nếu công ty đó có ý định không trả tiền thuê và tiền vay cho gia đình bạn và có hành vi trốn tránh trách nhiệm trả nợ thì người đại diện theo pháp luật của công ty đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm điếm đoạt tài sản theo Điều 140 Bộ luật hình sự sửa đổi 2009. Bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo ra cơ quan công an cấp quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở.
Theo đó, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khácbằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
* Chủ thể:
Theo quy định tại điều 12 Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Tức là nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
* Mặt chủ quan của tội phạm:
– Lỗi cố ý trực tiếp: người phạm tội biết tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác và đang trong sự quản lý của họ nhưng vẫn thực hiện hành vi chiếm đoạt và mong muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình hoặc cho người khác mà mình quan tâm.
– Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
* Hành vi phạm tội:
Sau khi đã nhận được tài sản, người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản đang do mình quản lý; về thủ gian dối cũng được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như đối với thủ đoạn gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối mà sau khi đã nhận tài sản một cách hợp pháp rồi bỏ trốn với ý thức không thanh toán, không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản ( ý thức chiếm đoạt tài sản ) thì cũng là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi đánh giá hành vi bỏ trốn của người phạm tội phải xem xét một cách khách quan, toàn diện, nếu người phạm tội bỏ trốn hoặc tránh mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản vì nguyên nhân khác thì không coi là bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Nếu người phạm tội không có hành vi gian dối, không bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản nhưng lại dùng tài sản đó (tài sản nhận từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản một cách hợp pháp) vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!