Đã chốt sổ bảo hiểm có được nộp bổ sung tháng đóng thiếu không? Quy định về thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động nghỉ việc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư Tôi có vấn đề muốn hỏi, mong luật sư giải đáp. Tôi bắt đầu đóng Bảo hiểm từ tháng 10/2015, tôi làm đến hết tháng 9/2016, đầu tháng 10 tôi nghĩ luôn,tôi làm hồ sơ báo giảm và chốt sổ từ tháng 9/2016 (do tôi hiểu sai vấn đề lúc làm thủ tục phải làm trong tháng 10/2016). Cty đã đóng cho tôi số tiền bảo hiểm từ tháng 09/2016. Nên tôi có nhận được kết quả của bảo hiểm chốt cho tôi từ tháng 10/2015 đến tháng 08/2016 tổng cộng 11 tháng. Vậy tôi phải làm thủ tục gì để yêu cầu Bảo hiểm làm lại cho tôi. Mong luật sư giải đáp.?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014
2. Giải quyết vấn đề
Theo quy định Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
“Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.”
Chốt sổ BHXH: là ghi quá trình đóng BHXH, BHTN trên sổ BHXH của người tham gia dừng đóng BHXH tại một đơn vị.
Quy định về ghi, xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN trong sổ BHXH. Nội dung ghi trong sổ BHXH phải đầy đủ theo từng giai đoạn tương ứng với mức đóng và điều kiện làm việc của người tham gia BHXH, BHTN (kể cả thời gian nghỉ ốm trên 14 ngày trong tháng, nghỉ thai sản, nghỉ việc không hưởng lương, tạm hoãn HĐLĐ). Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng BHXH, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về BHXH thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN; phải đóng BHYT do cơ quan BHXH đóng.
Căn cứ Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp đơn vị đóng không đủ thời gian cho người lao động thì phải truy đóng cho người lao động theo đúng quy định.
Thực hiện theo quy định trên, trường hợp người lao động đã được chốt sổ BHXH nhưng thiếu quá trình tham gia tháng 9/2016, đơn vị lập hồ sơ truy thu theo phiếu giao nhận hồ sơ 311 gửi đến cơ quan BHXH để được giải quyết.
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 như sau:
“Điều 23. Truy thu BHXH, BHYT, BHTN
1. Truy thu các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN; điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH, BHYT, BHTN
1.1. Thành phần hồ sơ:
a) Người lao động: Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
b) Đơn vị:
– Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS);
– Bảng kê giấy tờ hồ sơ làm căn cứ truy thu (Phụ lục 02).
1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
2. Truy thu BHXH bắt buộc đối với người lao động có thời hạn ở nước ngoài truy nộp sau khi về nước quy định tại Điểm 4.2 Khoản 4 Điều 7
2.1. Trường hợp người lao động truy nộp thông qua đơn vị nơi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: hồ sơ tương tự Khoản 1 Điều này.
2.2. Trường hợp người lao động tự đăng ký truy nộp tại cơ quan BHXH:
Hồ sơ của người lao động gồm:
– Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
– HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).
3. Các trường hợp truy thu theo quy định của Chính phủ: BHXH Việt Nam hướng dẫn trong từng trường hợp cụ thể.”
Đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 23: không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 23: không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!