Đã có việc làm mới có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Mức xử phạt đối với hành vi không thông báo chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm.
Tóm tắt câu hỏi:
Mình quen 1 người trong khi họ có việc làm ổn định nhưng họ vẫn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Như vậy có phạm luật và xử phạt gì không? và hình phạt như thế nào? Mình muốn báo với bảo hiểm thất nghiệp thì báo như thế nào?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Tại Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:
“1. Các trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định như sau:
a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động;
b) Có việc làm
Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
– Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;
– Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;
– Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.
…”.
Do đó, nếu người này đã có việc làm thì sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày bị chấm dứt hợp đồng lao động thì người này phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp để làm thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp. Người này khi có việc làm không thông báo lại cho trung tâm dịch vụ việc làm mà vẫn cố tình hưởng tiền trợ cấp khi bị phát hiện sẽ phải nộp lại số tiền đã hưởng và bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng căn cứ theo quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 6 Điều 27 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
“Điều 27. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây:
a) Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
…
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;”
Bạn sẽ trình báo lên Ủy ban nhân dân hoặc Sở lao động thương binh và xã hội để họ giải quyết cho bạn và nộp kèm chứng cứ chứng minh là họ có hành vi gian dối trong việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp căn cứ theo quy định về thẩm quyền xử phạt tại Điều 36, 37 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!