Điều kiện để di chúc có hiệu lực theo quy định mới nhất. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa luật sư: Cha tôi mất năm 1992, mẹ tôi mất năm 2007. Cha tôi có để lại một mảnh đất gần 2 mẫu do cha tôi đừng quyền sử dụng đất. Năm 22/3/2006 mẹ tôi có lập di chúc có 10 anh em cùng ký tên để lại cho tôi một mảnh đất 887m2 trong đó có căn nhà thờ tôi đang ở quản lý và thờ cúng ông bà. Đến năm 2017 do mâu thuẫn gia đình nên các anh em tôi uỷ quyền cho ông anh thứ 4, thưa ra toà chia thừa kế. Nay xin hỏi luật sư tờ di chúc tay đó có hợp pháp không. Còn nếu không hợp pháp tôi được hưởng bao nhiêu phần đất trong 2 mẫu đó và còn bồi thường công sức tôi tu bỗ nuôi dưỡng cha mẹ lúc bệnh đâu hay không. Và tôi có quyền ở nhà tự nữa hay không. Kinh mong quý luật sư giúp đỡ tư vấn dùm.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Mảnh đất này tuy chỉ có cha bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nếu được hình thành trong thời kì hôn nhân thì sẽ thuộc quyền sở hữu chung của cha mẹ bạn. Do đó, khi ông qua đời, một nửa phần tài sản này sẽ trở thành di sản thừa kế. Bạn chưa nói rõ ông lập di chúc hay không lập di chúc. Trước đây, các thành viên trong gia đình đã làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế hay chưa. Tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:…”
Đến năm 2017, các anh em của bạn khởi kiện ra tòa yêu cầu chia thừa kế, tính từ năm 1992 đến thời điểm này là 25 năm nên thời hiệu yêu cầu chia thừa kế vẫn còn, do đó, di sản này sẽ không thuộc về người đang quản lý di sản đó.
Thời điểm cha bạn mất có để lại di chúc hay không? Di chúc có hợp pháp hay không? Tại Điều 12 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 quy định về di chúc hợp pháp:
“1- Di chúc hợp pháp là di chúc do người từ đủ mười tám tuổi trở lên tự nguyện lập trong khi minh mẵn, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.
Di chúc cũng được coi là hợp pháp nếu do người từ đủ mười sáu tuổi trở lên nhưng chưa đủ mười tám tuổi tự nguyện lập trong khi minh mẫn, được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đỡ đầu, không bị lừa dối và không trái với quy định của pháp luật.
2- Di chúc do công dân Việt Nam lập ở nước ngoài theo pháp luật của nước ngoài, nếu có nội dung không trái với pháp luật của Việt Nam, cũng được coi là di chúc hợp pháp.”
Di chúc bố bạn lập sẽ hợp pháp khi di chúc được lập tự nguyện trong tình trạng minh mẫn, không trái quy định của pháp luật. Khi đó, những người thừa kế sẽ được hưởng di sản theo nội dung trong di chúc. Trường hợp cha bạn mất không để lại di chúc thì di sản này sẽ được chia theo pháp luật căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh thừa kế năm 1990:
“1- Người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;”
Theo đó, những người cùng hàng thừa kế thứ nhất sẽ gồm mẹ của bạn, anh chị em của bạn và ông bà nội của bạn (nếu còn) và sẽ được hưởng phần di sản ngang nhau căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 25 Pháp lệnh thừa kế năm 1990.
Khi đó, mỗi người sẽ có phần thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Mẹ bạn mất năm 2007 mà năm 2006 có lập di chúc để lại tài sản của mẹ cho các anh em trong gia đình. Di chúc của mẹ bạn để lại có 10 anh em cùng kí tên mà không công chứng hay chứng thực nên nếu di chúc được viết dựa trên sự tự nguyện, mẹ bạn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép, nội dung và hình thức của di chúc không được trái quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Tại khoản 1 Điều 654 và 656 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc
Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.”
Trường hợp mẹ bạn không thể tự viết di chúc được thì mới nhờ người khác viết và làm chứng nhưng người làm chứng không thể là 10 anh em nhà bạn được. Nếu mẹ bạn tự viết di chúc và có nội dung không trái theo quy định tại Điều 653 Bộ luật dân sự năm 2005 về nội dung di chúc thì không cần người làm chứng di chúc vẫn có hiệu lực pháp luật căn cứ theo quy định tại Điều 655 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.
Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này.”
Theo đó, bạn có thể tự xác định di chúc của mẹ bạn để lại có hợp pháp hay không. Việc anh tu bổ căn nhà hay công sức chăm sóc cha mẹ lúc bệnh tật không phải là căn cứ để chia di sản thừa kế. Nếu hợp pháp thì phần tài sản sẽ được chia theo di chúc và không hợp pháp sẽ chia theo pháp luật cho những người cùng hàng thừa kế thứ nhất, tức là chia thành 10 phần bằng nhau căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!