Điều kiện để làm tư vấn giám sát thi công. Không có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng có được làm tư vấn giám sát thi công?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Tôi hiện đang là kỹ sư xây dựng ra trường được 1 năm. Tôi chưa đủ thâm niên cũng như kinh nghiệm thi công để xin cấp giấy phép hành nghề tư vấn giám sát. Hiện nay tôi đang được nhận vào làm bên phòng tư vấn giám sát. Tôi muốn hỏi nếu không có giấy phép hành nghề tư vấn giám sát thì có ảnh hưởng gì đến công việc của tôi không? Nếu có thì ảnh hưởng như thế nào? Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý.
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, để được cấp giấy chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 17/2016/TT-BXD quy định trình độ chuyên môn và thời gian kinh nghiệm đối với lĩnh vực hành nghề giám sát thi công xây dựng:
– Giám sát công tác xây dựng: cá nhân có trình độ đào tạo thuộc chuyên ngành xây dựng công trình, khi có đủ thời gian và kinh nghiệm thực tế tham gia thiết kế, thi công, giám sát công tác xây dựng công trình loại theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Nghị định 59/2015/NĐ-CP thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề giám sát công tác xây dựng công trình loại đó.
– Giám sát “lắp đặt thiết bị công trình” và “lắp đặt thiết bị công nghệ”: cá nhân có trình độ đào tạo thuộc chuyên ngành như điện, cơ khí, thông gió – cấp thoát nhiệt, cấp – thoát nước, Điều hòa không khí, mạng thông tin – liên lạc, phòng chống cháy – nổ công trình xây dựng và các chuyên ngành phù hợp khác, khi có đủ thời gian và kinh nghiệm tham gia giám sát các công việc thuộc các chuyên ngành này thì được xét cấp chứng chỉ hành nghề với nội dung giám sát “lắp đặt thiết bị công trình” hoặc “lắp đặt thiết bị công nghệ” hoặc cả hai nội dung này.
Căn cứ Điều 45 và khoản 15 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng:
– Hạng I: Đã làm giám sát trưởng hoặc đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình cấp I hoặc 02 công trình cấp II cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 (bảy) năm trở lên;
– Hạng II: Đã làm giám sát trưởng hoặc đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình cấp II hoặc 02 công trình cấp III cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 5 (năm) năm trở lên;
– Hạng III: Đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình cấp III hoặc 02 công trình cấp IV cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 3 (ba) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 5 (năm) năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp.
* Phạm vi hoạt động giám sát thi công xây dựng theo khoản 3 Điều 49 Nghị định 59/2015/NĐ-CP.
– Hạng I: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng tất cả các cấp công trình cùng loại được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
– Hạng II: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình từ cấp II trở xuống, tham gia giám sát một số phần việc của công trình cấp I cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề;
– Hạng III: Được làm giám sát trưởng, trực tiếp giám sát thi công xây dựng công trình từ cấp III trở xuống, tham gia giám sát một số phần việc của công trình cấp II cùng loại với công trình được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Thứ hai, về việc bạn làm việc trong phòng tư vấn giám sát thi công nhưng không có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng, pháp luật không quy định về điều kiện để được tư vấn giám sát thi công xây dựng thì bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng. Do vậy, việc bạn có hay không có giấy chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng khi làm việc tại phòng tư vấn giám sát hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, vị trí tuyển dụng nơi bạn làm việc.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật xây dựng của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật xây dựng trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật xây dựng trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn pháp luật về xây dựng nhà ở trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!