Điều kiện để thăng hạng giáo viên trung học cơ sở từ hạng III lên hạng II. Phân biệt thi và xét thăng hạng.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Cháu là giáo viên dạy Tin học bậc THCS. Cháu trúng tuyến giáo viên ngày 12/12/2011. Sau 1 năm tập sự, thì ngày 12/12/2012 cháu được vào ngành chính thức (bậc cao đẳng, mã 15a.202). Năm 2013 cháu tốt nghiệp đại học ngành Tin học. Trong 6 năm đi dạy (tập sự và chính thức), cháu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bị kỉ luật hay cảnh cáo gì, có 2 năm được công nhận GV dạy giỏi. Nay cháu muốn thăng hạng giáo viên THCS hạng III lên hạng II vậy đã đủ điều kiện chưa? Theo thông tư liên tich Số: 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định chức danh GV THCS, tại Điều 5. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.11, tại mục 3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, điểm i) Viên chức thăng hạng từ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III lên chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng II phải có thời gian giữ chức danh giáo viên trung học cơ sở hạng III hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, trong đó thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III từ đủ 01 (một) năm và tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học các chuyên ngành khác phù hợp với bộ môn giảng dạy từ đủ 01 (một) năm trở lên. Nay cháu muốn thăng hạng giáo viên THCS hạng III lên hạng II vậy đã đủ điều kiện chưa?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Theo quy định tại Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT và Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT, giáo viên trên cả nước sẽ được thăng hạng chức danh nghề nghiệp thông qua một trong hai hình thức: Thi tuyển hoặc xét tuyển. Khi nào áp dụng hình thức thi tuyển và khi nào áp dụng hình thức xét tuyển?
Trước tiên xét trên khía cạnh dự thi, tiêu chuẩn và điều kiện dự thi thăng hạng chức danh của giáo viên căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 20/2017/TT-BGDĐT:
“Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Giáo viên dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi và được cấp có thẩm quyền cử đi dự thi.
2. Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự thi; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Mầm non; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Tiểu học công lập; Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở công lập; Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNVngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học phổ thông công lập.
Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự thi thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự thi theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Đối với kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I, từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III, Thông tư quy định, giáo viên thi 4 môn: Kiến thức chung, môn thi chuyên môn, nghiệp vụ, môn thi Ngoại ngữ, Môn thi tin học. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi thăng hạng quyết định lựa chọn hình thức thi phù hợp.
Do đó, để đáp ứng đủ điều kiện thi, giáo viên cần đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra ở điều luật trên trước khi tham gia dự tuyển thi thăng hạng. Có thể thấy thủ tục dự thi thăng hạng hơi mất thời gian vì lý do trên, trước khi thi phải kiểm tra điều kiện, sau đó mới được thi. Để khắc phục tính rườm rà trong việc thi thăng hạng trên, pháp luật cho ra thêm quy định số Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT đây là thủ tục xét thăng hạng mà không cần tổ chức thi. Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng kèm phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật. Điều kiện xét thăng hạng là gì? căn cứ theo Điều 3 Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT:
“Điều 3. Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
1. Cơ sở giáo dục có nhu cầu về vị trí việc làm của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ xét thăng hạng.
2. Được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 03 (ba) năm liên tục tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét; có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
3. Có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non công lập; Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập; Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở công lập; Thông tư liên tịch số 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông công lập.
Giáo viên dự bị đại học khi áp dụng Thông tư này để dự xét thăng hạng phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.”
Đối với kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từ hạng II lên hạng I, từ hạng III lên hạng II, từ hạng IV lên hạng III, Thông tư quy định, giáo viên chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT sau đó nộp cho cơ quan thường trực của hội đồng xét. Điểm hồ sơ được tính dựa trên quy định tại Điều 6 Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT: Điểm hồ sơ là 100 điểm, Điểm tăng thêm.
Vì vậy, với trường hợp của bạn, 12/12/2011 vào trường tập sự, đến 12/12/2012 trúng tuyển giáo viên chính thức của trường, theo bạn tính trong 6 năm từ 12/12/2011 đến nay bạn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không bị kỉ luật hay cảnh cáo gì, có 2 năm được công nhận giáo viên dạy giỏi. Xét về điều kiện của cả xét hay thi thăng hạng bạn đều đáp ứng, do đó bạn có thể xem xét kết hợp với phía trường học của mình để thực hiện thủ tục xét hoặc thi thăng hạng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!