Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ năm 2018. Quy định về mức hưởng chế độ thai sản lao động nữ sinh con.
Tóm tắt câu hỏi:
Luật sư cho tôi hỏi: Hiện tại tôi đang làm việc kế toán tại một công ty với mức lương hàng tháng là 4.000.000 VNĐ ở khu vực Hoài Đức – Hà Nội. Tháng 6/2017 tôi biết mình có thai được 2 tháng và xin đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại công ty với tỷ lệ 100% tiền đóng bảo hiểm bắt đầu từ tháng 6/2017. Dự kiến sinh của tôi là vào cuối tháng 01/2018. Vậy nếu tôi đóng BHXH ngay từ tháng 6 thì đến khi tôi sinh cháu có được hưởng chế độ thai sản không và nếu được thì số tiền tôi nhận được là bao nhiêu? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.
– Quyết định 959/2015/QĐ-BHXH;
2. Giải quyết vấn đề
Thứ nhất, điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Căn cứ Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Lao động nữ mang thai;
b) Lao động nữ sinh con;
c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;
đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Như vậy, theo quy định thì điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh.
Đối với trường hợp của bạn, bạn bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 6/2017, bạn dự kiến sinh đến cuối tháng 01/2018. Như vậy bạn sẽ tham gia được 08 tháng (tính tham gia cả tháng 01/2018) thì bạn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Bạn cũng cần lưu ý cách xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con được quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
– Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định trên.
Ví dụ 13: Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng bảo hiểm xã hội, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
Thứ hai, về mức hưởng chế độ thai sản
Căn cứ Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
“1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:
a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;
b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;
c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.
…”
Điều này được hướng dẫn theo Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
– Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, giả sử mức lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trước khi nghỉ thai sản của bạn là 4.000.000 đồng/tháng thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc bằng 4.000.000 đồng. Như vậy, chế độ thai sản của bạn là 4.000.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, bạn sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con theo điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014, bạn sẽ được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng nên trợ cấp một lần khi sinh là 1.300.000 đồng x 2 = 2.600.000 đồng.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày bạn có thai được 2 tháng và xin đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại công ty với tỷ lệ 100% tiền đóng bảo hiểm bắt đầu từ tháng 6/2017. Nhưng theo Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì bạn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Về nguyên tắc tham gia bảo hiểm xã hội thì quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và người sử dụng lao động cũng sẽ có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tại Quyết định 959/2015/QĐ-BHXH quy định mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động là 10.5% bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội. Do vậy việc bạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 100% là vi phạm theo quy định của pháp luật. Hành vi này của người sử dụng lao động còn bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!