Điều kiện và thủ tục hưởng chế độ thai sản khi người lao động đã nghỉ việc. Trong thời gian mang thai người lao động xin nghỉ việc tại công ty có được hưởng chế độ thai sản không?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư. Em tên Thanh, nhờ luật sư tư vấn giúp em. Em hiện đang mang thai và thời gian dự sinh là 20/09/2018. Em hiện đang đóng bảo hiểm ở công ty từ ngày 1/10/2017 đến giờ. Do tính chất công việc, sức khỏe không tốt và đi lại khó khăn em dự định đầu tháng 5/2018 sẽ xin phép nghỉ ơ công ty vậy em có thể nhận được bảo hiểm thai sản không ? Nếu như được thì công ty sẽ làm hồ sơ cho em hay em tự làm. Chân thành cảm ơn luật sẽ.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Mang thai, sinh con là một trong những thiên chức của người mẹ. Cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật cũng có nhiều quy định để đảm bảo hơn quyền lợi của người làm mẹ, người lao động nữ, trong đó có quy định về chế độ thai sản. Bởi vậy, khi mang bầu, sinh con, bên cạnh việc chăm lo cho sức khỏe, sự phát triển của bé thì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người mẹ, người lao động nữ cần nắm rõ quy định của pháp luật về chế độ thai sản. Trường hợp của bạn cũng là một ví dụ. Để giải quyết vấn đề này cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về điều kiện để bạn được hưởng chế độ thai sản.
Theo thông tin, bạn hiện đang mang thai và chuẩn bị sinh con. Nhưng bạn cũng dự định nghỉ việc. Để xác định bạn có đáp ứng điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con hay không thì tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định.
“Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
…
b) Lao động nữ sinh con;
…
2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.”
Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên thì lao động nữ sinh con – ở đây là bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với trường hợp bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên và khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Trong đó, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định theo quy định tại Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, cụ thể:
“Điều 9. Điều kiện hưởng chế độ thai sản
Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 31 của Luật bảo hiểm xã hội; khoản 3 Điều 3 và khoản 1 Điều 4 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
…”
Xem xét trong trường hợp của bạn, theo thông tin, bạn hiện đang mang thai và dự sinh vào ngày 20/09/2018. Bạn dự định nghỉ việc vào tháng 5/2018. Trường hợp này, do không xác định được chính xác việc bạn có sinh vào ngày dự sinh không, và sau khi bạn nghỉ việc bạn có tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không, nên căn cứ theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, khi xác định bạn có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hay không sẽ có hai trường hợp sau xảy ra:
Trường hợp 1: Bạn sinh con vào tháng 09/2018, và tháng sinh con bạn có đóng bảo hiểm xã hội do sau khi nghỉ việc bạn tiếp tục làm việc ở công ty, cơ quan đơn vị mới.
Trường hợp này, khi bạn sinh con vào ngày 20/09/2018 và tháng sinh con bạn có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con của bạn được xác định là khoảng thời gian từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018.
Bạn bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2017 nên có thể xác định trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con (từ tháng 10/2017 – tháng 9/2018), tính đến thời điểm bạn nghỉ việc (đầu tháng 5/2018), bạn đã đóng hơn 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên, khi bạn sinh con vào tháng 9 năm 2018 và tháng sinh con (tháng 9/2018) có đóng bảo hiểm thì bạn hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp 2: Bạn sinh con vào ngày 20/09/2018, và tháng sinh con bạn không đóng bảo hiểm xã hội do sau khi nghỉ việc, bạn không tiếp tục đi làm ở công ty, cơ quan đơn vị mới, cũng không đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trường hợp bạn sinh con vào ngày 20/09/2018 và tháng sinh con, bạn không đóng bảo hiểm xã hội thì căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian 12 tháng trước khi sinh con của bạn được xác định là khoảng thời gian từ tháng 9/2017 – tháng 8/2018.
Bạn bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 10/2017 nên có thể xác định trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi bạn sinh con (từ tháng 9/2017 – tháng 8/2018), tính đến thời điểm nghỉ việc (đầu tháng 5/2018), bạn cũng đã đóng hơn 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên, khi bạn sinh con vào tháng 9 năm 2018 và tháng sinh con (tháng 9/2018) không đóng bảo hiểm thì bạn hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
Qua phân tích ở trên, có thể thấy, khi bạn sinh con vào ngày 20/09/2018, thì dù tháng sinh con (tháng 9/2018) bạn có đóng bảo hiểm xã hội hay không, bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được trích dẫn ở trên. Trường hợp bạn sinh sớm hơn, hoặc sinh muộn hơn so với thời gian dự sinh, bạn vẫn có thể căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH để có thể xác định cụ thể.
Khi bạn đã đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì dù bạn có nghỉ việc ở công ty trước thời điểm bạn sinh con hay không, bạn vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được trích dẫn ở trên.
Thứ hai, về hồ sơ hưởng chế độ thai sản của bạn:
Như đã phân tích, khi bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì căn cứ theo quy định tại Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 9 Quyết định 636/QĐ-BHXH năm 2016, hồ sơ hưởng chế độ thai sản, bạn cần chuẩn bị gồm:
Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc bản sao Giấy chứng sinh của con của bạn.
Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc bạn phải nghỉ việc để dưỡng thai trong trường hợp bạn khi mang thai phải nghỉ việc dưỡng thai (mẫu và thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế);
Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng bạn sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con trong trường hợp sau khi sinh con, bạn không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con (mẫu và thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Y tế).
Giấy xác nhận của cơ sở y tế đối với trường hợp bạn sinh con dưới 32 tuần tuổi (sinh non) hoặc sinh con phải phẫu thuật.
Danh sách theo mẫu C70a-HD do người sử dụng lao động lập (bản chính).
Sổ bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì:
“Điều 14. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản
1. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 101, Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
2. Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.”
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được trích dẫn ở trên thì khi bạn đã nghỉ việc trước thời điểm bạn sinh con thì bạn sẽ trực tiếp nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn đang cư trú.
Như vậy, qua phân tích nêu trên, bạn sẽ được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh. Do chưa xác định được chính xác bạn sinh con vào thời điểm nào, nên bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể. Khi xác định bạn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, bạn sẽ nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản lên cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi bạn đang cư trú.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!