Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi đối tác mất liên lạc. Khi đối tác chậm trễ trong việc thực hiện hợp đồng, có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào a/c. Em có 1 vấn đề muốn nhờ a/c tư vấn giùm như sau: Công ty em có ký 1 hợp đồng dịch vụ với 1 đối tác trong TP HCM từ năm 2014, giá trị hợp đồng là 300.000.000 đồng. Tuy nhiên, đối tác mới chuyển tạm ứng cho bên e 1/2 giá trị hợp đồng tương đương 150.000.000 đồng và sau đó thì k liên lạc được. Hợp đồng bị dở dang từ ngày đó đến tận bây giờ. E có tra mã số thuế của đơn vị này trên web tổng cục thuế thấy đơn vị này vẫn hoạt động nhưng k liên lạc được. Bây giờ e muốn đơn phương thanh lý hợp đồng và xuất hóa đơn tương ứng với giá trị phần tiền đối tác đã chuyển vào năm 2017 có được không? Mong a/c hướng dẫn e cách xử lý trường hợp này. Em cảm ơn.!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2.Giải quyết vấn đề
Về bản chất, mục đích của việc thanh lý hợp đồng là giúp cho các bên xác định lại rằng các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đến đâu, trách nhiệm nào còn tồn đọng, hậu quả của việc đó là gì. Khi xác định xong, những phần quyền và nghĩa vụ nào mà các bên đã thực hiện và có thỏa thuận với nhau xem như chấm dứt, chỉ riêng đối với những phần quyền và nghĩa vụ còn tồn đọng chưa thực hiện được thì vẫn còn hiệu lực.
Thanh lý hợp đồng là khái niệm được quy định trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989. Theo quy định Điều 28 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989:
“Các bên phải cùng nhau thanh lý hợp đồng kinh tế trong trường hợp:
1- Hợp đồng kinh tế được thực hiện xong;
2- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng kinh tế đã hết và không có sự thoả thuận kéo dài thời hạn đó;
3- Hợp đồng kinh tế bị đình chỉ thực hiện hoặc huỷ bỏ;
4- Khi hợp đồng kinh tế không được tiếp tục thực hiện theo quy định tại đoạn 2, đoạn 3 Điều 24 hoặc Điều 25 của Pháp lệnh này.“
Tuy nhiên quy định trên đã hết hiệu lực, theo hệ thống pháp luật hiện hành, thuật ngữ “thanh lý” trong Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 đã được thay thế bởi thuật ngữ “chấm dứt” trong Bộ luật dân sự
Theo quy định tại Điều 424 Bộ luật dân sự năm 2005, chấm dứt hợp đồng được quy định như sau:
“Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Hợp đồng đã được hoàn thành;
2. Theo thoả thuận của các bên;
3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;
4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;
6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.“
Do đó, xét về bản chất, việc thanh lý hợp đồng chỉ được thực hiện sau khi hai bên đã hoàn thành hết các nghĩa vụ và được hưởng các quyền của mình. Vì bạn không nêu rõ phía bên công ty bạn đã thực hiện xong nghĩa vụ ghi trong hợp đồng hay chưa nên chúng tôi chia hai trường hợp:
Thứ nhất: công ty bạn đã thực hiện xong công việc, mà công ty đối tác vẫn chưa thanh toán xong thì công ty bạn có quyền yêu cầu bên kia thực hiện xong nghĩa vụ ghi trong hợp đồng đã thỏa thuận. Trong trường hợp công ty bạn không muốn nhận lại phần thanh toán này mà muốn chấm dứt hợp đồng luôn thì cần gửi thông báo cho bên kia và xuất hóa đơn bình thường
Thứ hai: công ty bạn vẫn chưa thực hiện xong công việc ghi trong hợp đồng thì việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dựa theo nguyên tắc tự do thỏa thuận được quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2005:
“Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.
Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.“
Hai bên có thể tự do thỏa thuận về thời điểm thanh lý hợp đồng. Nói cách khác, việc thanh lý hợp đồng có thể được thực hiện ngay cả khi hai bên chưa thực hiện hết các nghĩa vụ và quyền của mình. Do đó, để tiến hành thanh lý hợp đồng trong lúc các bên vẫn chưa thực hiện xong quyền và nghiã vụ với nhau thì phía công ty bạn phải thông báo cho cho phía công ty đối tác.
Mặt khác, theo như bạn trình bày, công ty bạn không liên lạc được với công ty đối tác kể từ thời điểm 2014 đến nay. Như vậy, bạn cần xem xét cụ thể trong hợp đồng có quy định về các điều khoản được đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lý do một trong hai bên trì trệ thực hiện hợp đồng trong một thời hạn nhất định không? Nếu có, công ty bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì HĐ chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
Nếu trong hợp đồng không quy định nào khác, thanh lý được hiểu là việc chấm dứt hợp đồng, và căn cứ vào quy định của pháp luật tại điều 426 Bộ luật dân sự 2005
Điều 426. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.
4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.
Tóm lại, công ty bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cần căn cứ vào các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng hoặc các quy định của pháp luật. Dù căn cứ vào đâu công ty bạn vẫn phải liên lạc và thông báo đến bên công ty đối tác để họ biết về hành vi đơn phương chấm dứt này.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!