Dùng dùi cui điện để phòng thân có vi phạm pháp luật? Xử phạt sử dụng công cụ hỗ trợ trái quy định của pháp luật.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào công ty ạ. Em năm nay 18 tuổi, thường xuyên phải đi làm đêm, em có định mua 1 chiếc dùi cui điện để tự vệ. Vậy có hợp pháp không ạ. Và khi cơ quan chức năng kiểm tra hành chính thì trả lời như nào ạ. Em xin cảm ơn ạ !!!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hành chính -Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Để tránh trường hợp nhiều người sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ như súng hơi, dùi cui điện, côn,… không nhằm mục đích bảo vệ bản thân mà gây hại cho người khác nên các nhà làm luật đã quy định về việc cấm tự ý sử dụng các loại công cụ hỗ trợ này khi không được phép.
Tại điểm d khoản 11 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định:
“11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;”
Do đó, dùi cui điện là một loại công cụ hỗ trợ. Đó là phương tiện nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy, bảo vệ người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ. Tại khoản 1, 10 Điều 5 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng công cụ hỗ trợ:
“1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
10. Chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.”
Theo đó, bạn không được hay sở hữu công cụ hỗ trợ nói chung và cụ thể là không được mua bán dùi cui điện trừ khi bạn được Nhà nước cho phép. Việc sử dụng dùi cui điện trái quy định của pháp luật thì bạn có thể bị xử phạt hành chính căn cứ theo quy định tại điểm d, đ khoản 3 và điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
d) Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
đ) Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này;”
Nếu bạn sử dụng dùi cui điện chưa gây hậu quả hoặc sử dụng mà không có giấy phép thì bạn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng và bị tịch thu dùi cui khi bị phát hiện.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!