Dùng gạch đập vào đầu người khác gây chấn thương sọ não bị đi tù không? Bồi thường thiệt hại khi cố ý gây thương tích cho người khác. Dùng gạch đập vào đầu người khác gây chấn thương sọ não bị đi tù không? Bồi thường thiệt hại khi cố ý gây thương tích cho người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửu luật sư tôi muốm hỏi một việc như sau, con tôi sinh năm 1999 trên đường đi học cùng bạn bằng xe đạp điện. Bị 4 cháu có 1 cháu sinh năm 2000 đã nghỉ học dùng gạch đập vào đầu gây trấn thương sọ não lún sọ TD đỉnh (T). Vậy em ấy có phải đi trại không, vậy gia đinh em ấy có bồi thường chi phí đi mổ và điều tri trước và về sau này nữa không. Vậy tôi xin luật sư tư vấn cho tôi, tôi xin chân chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Hành vi của 4 người kia có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tại Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội này như sau:
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.”
Thứ nhất: Mặt khách quan của tội phạm
– Hành vi khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
– Công cụ, phương tiện sử dụng
Nếu người phạm tội sử dụng các phương tiện có tính nguy hiểm cao như: chất nổ, dao găm, gây, thanh sắt,… phần nào đó có thể xác định người phạm tội mong muốn cho nạn chết. Vì vậy, dựa vào việc người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội có thể xác định được là người phạm tội mong muốn giết người hay đơn thuần chỉ gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe.
– Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công
Xác định hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe dựa vào mức độ tấn công với cường độ mạnh hay yếu cùng với vị trí tấn công trên cơ thể xem hành vi đó có dồn dập và cường độ tấn công mạnh không? Nếu cường độ tấn công không mạnh và những vị trí tấn công không xung yếu, không nhằm tước đi sinh mạng của nạn nhân, khi đó sẽ không xác định là hành vi giết người mà là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
– Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác thể hiện ở tỷ lệ thương tật ( tỷ lệ %) mất sức lao động của nạn nhân.
Thứ hai: Chủ thể của tội phạm
Là người đã có lỗi trong việc thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho người khác, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Thứ ba: khách thể của tội phạm
Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn cần phải xác định con bạn bị tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm? Việc đối tượng đó dùng gạch đập vào đầu bạn như vậy được xác định là hung khí nguy hiểm theo điểm 3.1, Điều 3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP được hướng dẫn tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP.
“2.2. “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.
a. Về công cụ, dụng cụ
Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…
b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra
Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ…
c. Về vật có sẵn trong tự nhiên
Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.
Nếu con bạn bị một đối tượng dùng gạch đập vào đầu gây thương tích mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% và có sử dụng hung khí thì khi có đơn yêu cầu của gia đình bạn người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 104 nêu trên. Nếu dưới 11% và có sử dụng hung khí nhưng không có đơn khởi kiện của gia đình bạn thì sẽ không đặt ra truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng đó. Còn nếu tỷ lệ thương thật của con bạn từ 11% đến 30% có sử dụng hung khí hoặc từ 30% trở lên thì có thể tùy mức tỷ lệ thương tật mà đối tượng đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3, khoản 4 nêu trên.
Theo thông tin bạn cung cấp thì đối tượng gây thương tích cho con bạn sinh năm 2000 (17 tuổi) nên về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định:
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, người gây thương tích cho con bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Theo đó, khi sức khỏe bị xâm phạm thì con trai bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị giảm mất, bị giảm sút;
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của con trai bạn;
– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;
– Bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần mà con bạn phải gánh chịu.
Do vậy, gia đình bạn có quyền yêu cầu phía gia đình người kia có trách nhiệm bồi thường. Và việc mức bồi thường, thời điểm bồi thường là do hai bên tự thỏa thuận.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!