Được quyền nuôi con sau khi ly hôn nhưng chồng ngăn cản quyền nuôi con thì xử lý như thế nào. Quy định về việc nuôi con khi ly hôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ chồng em với em ly hôn nay hơn 1 năm rồi, toà xử em nuôi con, con em vừa tròn 6 tuổi, hơn 1 năm nay chồng không chu cấp cho con em đồng nào, nhưng giờ bắt con em không cho em gặp chia cắt tình mẹ con em, em điện thoại thì nói giờ tao dành quyền nuôi con, có gì ra toà nói chuyện, em nhớ con em nó không cho em rước con em, giờ em phải làm sao đây ạ, nhờ luật sư tư vấn giúp em được quyền nuôi con, em có cảm giác như con em bị bắt cóc đi vậy em lo lắm.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý:
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014
2.Giải quyết vấn đề:
Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã ly hôn với chồng và được Tòa án tuyên cho bạn nuôi con. Trong trường hợp này, bạn được tiếp tục nuôi con việc chồng bạn nói sẽ khởi kiện lại quyền nuôi con sẽ được công nhận nếu như chồng bạn đáp ứng đủ điều kiện để thay đổi người trực tiếp nuôi con
Tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
– Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
– Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Như vậy, theo quy định trên thì chồng bạn là người không trực tiếp nuôi con vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom con mà bạn không được cản trở. Bên cạnh đó, chồng bạn cũng có quyền yều cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1.Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3.Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.”
Theo quy định trên, thì việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ như sau:
– Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (ví dụ như thường xuyên bỏ bê con cái, chửi bới đánh đập con,…)
– Trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con khi tiến hành thay đổi người trực tiếp nuôi con
Ở đây, chồng bạn muốn chăm sóc con thì có thể làm thủ tục khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi thì chồng bạn phải chứng minh rằng bạn không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Điều kiện nuôi con được xem xét dựa trên kinh tế của bạn có thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho con hay không. Và bạn có nhân thân tốt, có hành vi vi phạm pháp luật không. Chỗ ở của bạn có đáp ứng được cuộc sống cho con hay không. Đồng thời chứng minh chồng bạn có đủ điều kiện để nuôi con, trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét ý kiến của con.
Nếu chồng bạn không đưa ra được các chứng cứ chứng minh mà bạn vẫn đáp ứng được các điều kiện nuôi con, việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì bạn vẫn có quyền nuôi con theo bản án của Tòa, chồng bạn không được phép bắt con để giành quyền nuôi con nếu như bạn không đồng ý. Nếu chồng bạn có những hành vi nhằm ngăn cản quyền nuôi con của bạn thì bạn nên báo với cơ quan chức năng để họ bảo vệ quyền nuôi con cho bạn.
Theo quy định của pháp luật cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!