Gây tai nạn chết người nhưng không có lỗi có phải bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Dạ thưa luật sư. Em có vấn đề này muốn hỏi ạ. Em chạy xe máy đúng làn đường không lấn tuyến. Còn ông đi bộ qua đường không đúng vạch qua đường. Đường thì tối ông xỉn nữa đi bộ băng qua. Em thấy em bóp kèn và tránh ông thì nghĩ là tránh được nhưng ông vẫn băng ngay xe em em hoảng quá bóp thắng mà ủi lên. Ông té đi cấp cứu bảo là xuất huyết não. Em cũng bị thương nhưng nhẹ. Vậy thưa luật sư như vậy là ai đúng ai sai ạ? Và nếu ông ấy mất thì em sẽ như thế nào ạ. Dạ em xin luật sư tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn ạ!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý:
+ Bộ luật hình sự sửa đổi 2017;
2.Giải quyết vấn đề:
Vì thông tin bạn cung cấp không đầy đủ, rõ ràng nên đối với những vụ việc gây tai nạn giao thông dẫn đến hậu quả chết người thì sẽ xác định hai trách nhiệm chính là trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự như sau:
Căn cứ Điều 260 Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 quy định như sau:
“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
…”
Như vậy, pháp luật quy định trường hợp người nào khi tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ theo Luật giao thông đường bộ 2008 mà gây thiệt hại xâm phạm về tài sản, tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Các yếu tố cấu thành:
Chủ thể:
+ Người điều khiển phương tiện giao thông cũng là người tham gia giao thông, nhưng người tham gia giao thông thì có thể không phải là người điều khiển phương tiện giao thông. Đây cũng là dấu hiệu phân biệt tội phạm này với các tội vi phạm an toàn giao thông khác.
+ Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
+ Người tham gia giao thông đường bộ gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật và người đi bộ trên đường bộ.
+ Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này. (Điều 12 Bộ luật hình sự 2015)
+ Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì tội phạm này là tội phạm được thực hiện do vô ý và không có trường hợp nào là tội đặc biệt nghiêm trọng. (Điều 12 Bộ luật hình sự 2015)
Mặt chủ quan:
Người phạm tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thực hiện hành vi là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả).
+ Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xẩy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
+ Vô ý vì cẩu thả là trường hợp người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
– Hậu quả của tội phạm
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
Thiệt hại cho tính mạng là làm người khác bị chết;
Thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ hoặc tài sản của người khác coi là làm cho người khác bị thương nặng hoặc làm cho tài sản của người khác bị mất mát hư hỏng nặng.
Nếu hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.
* Trách nhiệm dân sự:
Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Theo đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải đáp ứng các điều kiện:
– Có thiệt hại xảy ra: Chỉ có thiệt hại mới phải bồi thường, xác định mức thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu.Thiệt hại là những tổn thất xảy ra được tính thành tiền bao gồm những mất mát, hư hỏng, hủy hoại về tài sản, nguồn thu nhập bị mất mát, chi phí nhằm ngăn chặn, khắc phục những hậu quả xấu về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tinh thần.
– Phải có hành vi trái pháp luật: Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với quy định của pháp luật.
– Có lỗi của người gây thiệt hại;
– Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Như vậy, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cần phải xác định rõ nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, xác định yếu tố lỗi của các bên. Vì bạn cung cấp thông tin không đầy đủ nên bạn cần phải dựa vào kết quả khám nghiệm hiện trường của cơ quan có thẩm quyền để xem xét bên nào đúng, bên nào sai làm căn cứ bồi thường thiệt hại. Nếu bạn có hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và đó là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông thì bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người thiệt mạng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 nêu trên.
Về việc bồi thường thiệt hại thì căn cứ theo Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
– Thiệt hại khác do luật quy định.
– Bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!