Gây thương tích cho người khác 1% có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Mức hình phạt khi có hành vi cố ý gây thương tích cho người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật dương gia. Cách đây 2 tháng thì có một nhóm người đánh kích cá nhà mình, hai bên có lời qua tiếng lại thì mình có dùng gậy đánh 1 người trong nhóm kia 1 cái, gây thương tích 1%, xong đấy thì họ về nhà và kéo thêm 5 đên 6 người cầm gậy gỗ vào nhà mình và đánh mình ở trước cổng nhà gây thương tích 11%, vậy cho mình hỏi trong trường hợp này khi khởi tố hình sự thì mình bị án như thế nào, nếu sau này con cái thi vào nghành công an thì có bị ảnh hưởng không, trong trường hợp này mình vừa là bị can vừa là bị hại. Xin cảm ơn.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hình sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật hình sự năm 2015
- Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP
- Thông tư 15/2016/TT-BCA
2. Giải quyết vấn đề
Tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 quy định:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;…”
Khi gây thương tích cho người khác, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội này. Về mặt khách quan, là hành vi nguy hiểm cho xã hội trái pháp luật hình sự, thể hiện nhận thức và điều khiển hành vi của người phạm tội mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Trong quá trình thực hiện hành vi có thể sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm như dao, búa,…hoặc chỉ sử dụng tay. Mức độ của hành vi này thể hiện qua tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của người kia từ 11% đến 30% thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 như có sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mặt chủ quan: bạn và những người kia đều mong muốn gây ra thương tích cho đối phương.
Về chủ thể tội phạm: bạn và những người kia đều đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.
Về khách thể của tội phạm là quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe
Khi đó, bạn đánh bên kia mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 1% có dùng gậy mà gậy được xác định là hung khí nguy hiểm thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 134 sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi có đơn yêu cầu của người bị hại. Bên kia đánh bạn mức tỷ lệ tổn thương cơ thể của bạn là 11% mà có dùng gậy được xác định là có hung khí nguy hiểm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 6 năm tù. Nếu bạn không thuộc trường hợp nêu trên thì sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác thường dùng trong lao động, sinh hoạt hàng ngày nhằm mục đích gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác”.
Tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 15/2016/TT-BCA quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển vào các trường công an nhân dân:
“2. Điều kiện đăng ký dự tuyển
Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi làm hồ sơ đăng ký dự tuyển phải qua sơ tuyển đảm bảo các điều kiện sau:
a) Về trình độ văn hóa:…
c) Tiêu chuẩn đạo đức, phẩm chất chính trị:…
– Về phẩm chất chính trị: Bảo đảm theo quy định của Bộ Công an về tuyển người vào lực lượng Công an nhân dân…”.
Trong điều kiện trên không quy định rõ là thân nhân của người dự tuyển có tiền án, tiền sự có thể đăng ký dự thi hay không mà sẽ phụ thuộc vào quy định nội bộ của ngành công an. Do đó, đến thời điểm con bạn khi nộp hồ sơ dự tuyển sẽ được phổ biến quy định này.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!