Giải quyết nghĩa vụ cấp dưỡng của cha đối với con. Ngăn cản không cho con gặp gia đình chồng sau khi ly hôn có vi phạm pháp luật không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào chuyên gia! Chúng em mới kết hôn được hơn một năm và có con được 9 tháng tuổi. Chúng em ở chung với ba mẹ chồng cùng anh em bên chồng. Khi mới kết hôn chồng em không có công việc ổn định nên vợ chồng chị gái em đã hỗ trợ công việc cũng như vốn để làm ăn. Nhưng lúc em về nhà mẹ đẻ để sinh em bé thì công việc của hai vợ chồng không được suôn sẻ nên quyết định nghỉ. Chồng em làm công ăn lương cho vợ chồng chị gái em. Sau sinh được bốn tháng em về lại nhà chồng. Ở với nhau tầm tháng rưỡi thì vợ chồng em cãi nhau. Chồng em là người khá vô tâm chỉ biết đi làm còn về nhà thì thả mặc vợ con không quan tâm. Vì thế con em không bao giờ cho ba bồng. Mà hầu hết cả nhà nội không ai bồng được. Mình em chăm bẵm con đau hay ốm cũng mình em. Em thấy cô đơn trong căn nhà đó. Cộng với việc chồng em có thái độ không tôn trọng người nhà em kể cả anh chị đã cưu mang hai vợ chồng em. Bất mãn em không nhịn nữa nên mới cãi nhau với chồng. Sẵn có bà ngoại vô thăm nên nhà chồng em tính dằn mặt lần sau cho em chừa không được cãi chồng. Mẹ chồng có thái độ không tôn trọng sui gia cộng với chồng em kể lễ tội của em và hăm dọa nên mẹ em lôi em về nhà. Kể từ khi em ra khỏi nhà đó đã hơn ba tháng nhưng không nhận được một cuộc điện thoại hỏi thăm con từ chồng em. Chỉ có nhắn tin đòi chia tiền thôi. Lúc đầu em không đồng ý vì số tiền đó là mồ hôi công sức của hai vợ chồng em muốn để dành cho con. Nhưng trong mắt anh ta không có đứa con. Anh ta chỉ biết có tiền và hăm dọa em nếu không đưa thì sẽ không cho em sống yên ổn. Và anh ta nói anh ta không cần con, đứa con đó cho em luôn. Nên em đã đồng ý chia cho anh ta một nửa. Em thật sự rất thất vọng một người mà em tin tưởng giao cuộc đời mình lại cư xử và nói ra những điều vô học như vậy. Em biết cuộc hôn nhân này sẽ không bao giờ hàn gắn lại được. Em muốn hỏi chuyên gia anh ta đã không cần con thì có thủ tục nào bãi miễn quyền làm cha không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? Nếu không thì sau khi ly hôn em sẽ là người nuôi con anh ta là người cấp dưỡng anh ta có quyền thăm con. Còn người nhà anh ta em không muốn cho họ gặp con em thì có vi phạm luật không? Vì thực sự họ không quan tâm tới mẹ con em nên em quyết định không cho con nhìn mặt nhà nội. Và nếu anh ta không cấp dưỡng thì phải làm thế nào? Có bắt anh ta thay vì nộp tiền cấp dưỡng theo tháng thì nộp gộp mấy tháng liền có đc không? Rất mong sự tư vấn của chuyên gia. Em xin cảm ơn!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật hôn nhân – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
– Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017
2. Nội dung tư vấn
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì dù ly hôn thì quyền làm cha mẹ vẫn không bị ảnh hưởng vì sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Khi ly hôn nếu bạn được giao quyền trực tiếp nuôi con và người chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và chồng và các thành viên gia đình chồng được phép thăm nom, việc bạn ngăn cản không cho người nhà của chồng thăm nom là một hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau:
“Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”
Do đó, việc bạn không cho gia đình chồng thăm cháu thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng, nếu như người nhà gia đình chồng bạn không có hành vi lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bạn.
Còn về vấn đề nếu như bạn trực tiếp nuôi con thì chồng bạn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu
Theo quy định của pháp luật thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng . Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
Pháp luật đã quy định nghĩ vụ cấp dưỡng cho con của cha hoặc mẹ sau khi ly hôn là bắt buộc, để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và sự phát triển khỏe mạnh cho con, đồng thời cũng để người không trực tiếp nuôi con chịu trách nhiệm đối với con ruột của mình.
– Về mức cấp dưỡng thì Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu và học hành của con do các bên thỏa thuận . Trong trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết tùy vào từng trường hợp cụ thể, tùy vào điều kiện của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
– Về phương thức cấp dưỡng thì nuôi con cũng do các bên thỏa thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, 1 năm. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Do đó, nếu anh chồng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì mức và phương thức cấp dưỡng đã được tòa án giải quyết và có bản án bắt buộc thi hành. Việc người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì tùy trường hợp và mức độ vi phạm thì có thể bị xử lý hành chính theo mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Trong trường hợp có bản án của tòa án mà người chồng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện theo quyết định của bản án thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 52 Nghị định 110/2013/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
+ Trách nhiệm hình sự còn việc từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng ốm đau, bệnh tật, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 Về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Thủ tục yêu cầu cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn như sau:
+ Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng
+ Bản sao chứng minh nhân dân
+ Bản sao sổ hộ khẩu
+ Quyết định hoặc bản án ly hôn
+ Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng
+ Bản sao giấy khai sinh của con.
Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy để chồng có nghĩa vụ đóng góp vào việc đảm bảo nhu cầu thiết yếu của con, đảm bảo cho con có cuộc sống tốt nhất kể cả sau khi cha mẹ ly hôn thì bạn có thể yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi mà bạn đang cư trú, sinh sống giải quyết vấn đề cấp dưỡng này, buộc chồng bạn phải tiến hành thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!