Chồng có thể giành quyền nuôi con khi người vợ có hành vi bạo lực với con không? Các điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật Sư ; Em có câu hỏi mong muốn luật sư tư vấn giúp thủ tục ly hôn, Em và vợ sống với nhau thường xuyên cãi vã, vì vợ ghen tuông ,nên vợ xuyên đập phá đồ đạc trong nhà , nguy hiểm hơn đó là đánh con gái ( con em tới nay tròn 2 tuổi) từ khi 2-3 tháng đã bị mẹ đánh. Hôm nay vợ em điện thoại cho em và nó bảo nó bật loa ngoài để em nghe con bé khóc do nó bóp cổ cho con em khóc và nó còn dọa mua thuốc sâu để giết con bé và tự tử, Em đã ghi âm được cuộc thoại trên, giờ em phải cần những thủ tục gì để ra toa ly hôn được sớm nhất và dành quyền nuôi con gái em . Hiện tại kinh tế gia đình 1 mình em lo, trước vợ có làm giáo viên nhưng nghỉ dạy hơn 1 năm nay ở nhà. Vợ em quê Quảng Xương- thanh Hóa, còn em quê Hải Dương. Mong Luật sư tư vấn giúp ; Em xin chân thành cám ơn .?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
2. Giải quyết vấn đề
Với thông tin bạn đưa ra thì bạn muốn ly hôn để được Tòa án xem xét, quyết định cho đơn phương ly hôn khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
+ Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
+ Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn khi cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng như sau: Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đây là một quy định mang tính nhân đạo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Hiện tại, con bạn tròn 2 tuổi do mâu thuẫn vợ chồng mục đích hôn nhân không đặt được,cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài thì bạn có thể yêu cầu ly hôn đơn phương theo yêu cầu của một bên cần chuẩn bị những hồ sơ như sau:
– Đơn khởi kiện ly hôn theo mẫu.
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản chính).
– Chứng minh thư nhân dân của vợ chồng (Bản sao có chứng thực).
– Giấy khai sinh của các con (Bản sao có chứng thực).
– Sổ hộ khẩu gia đình (Bản sao có chứng thực).
– Giấy tờ chứng mình quyền sở hữu tài sản (nếu có).
– Giấy tờ chứng minh công nợ (nếu có).
Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương
– Thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương là Tòa án dân sự cấp quận/huyện/thành phố trực thuộc tỉnh nơi bị đơn cư trú.
Thời gian giải quyết vụ án ly hôn đơn phương
Thông thường, thời gian xét xử một vụ án ly hôn đơn phương mất khoảng từ 4 tháng- 6 tháng kể từ ngày thụ lí đơn (nếu có tranh chấp tài sản, phức tạp thì có thể kéo dài hơn).
Ngoài ra, theo quy định tại điều 81 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
” Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Do đó, theo quy định trên thì con dưới 36 tháng sẽ giao trực tiếp cho người mẹ nuôi. Tuy nhiên, luật cũng quy định nếu người mẹ không có đủ điều kiện nuôi dưỡng hoặc vợ, chồng có thỏa thuận khác thì quyền và trách nhiệm nuôi dưỡng có thể không hoàn toàn thuôc về người mẹ. Đề giành quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì bạn cần phải chứng minh được rằng vợ bạn không đủ diều kiện nuôi con, chăm sóc con, không có công việc, có hành vi ngược đãi con, tư cách đạo đức không tốt có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con bạn.
Sau khi bạn chứng minh được vợ bạn không đủ điều kiện nuôi con mà bạn có nguyện vọng nuôi con thì do bạn cung cấp thì bạn có điều kiện tốt hơn so với người mẹ thì bạn có khả năng giành được quyền nuôi con thì bạn cũng phải nêu ra những điều kiện sau:
Điều kiện về vật chất như thu nhập bảo đảm cuộc sống, nhà ở,và các điều kiện khác cho sự phát triển của con bạn về mọi mặt.
Điều kiện về tinh thần là bạn phải có đủ thời gian chăm sóc con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay.
Như vậy, khi bạn chứng minh được những việc trên tòa án sẽ lấy đó làm căn cứ để xem xét và quyết định xem ai là người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật hôn nhân và gia đình của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn ly hôn, tư vấn giải quyết các tranh chấp khi ly hôn
- Luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật hôn nhân, tư vấn giải quyết ly hôn trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!