Giáo viên dạy thừa giờ có được trả tiền thêm giờ không? Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học.
Tóm tắt câu hỏi:
Vào năm học 2015 -2016 tổ Tin học của chúng tôi gồm có 4 giáo viên (chúng tôi dạy ở một trường THPT). Vì trường chúng tôi chưa có nhân viên phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ thông tin nên hiệu trưởng đã phân công kiêm nhiệm cho các giáo viên trong tổ chúng tôi chi tiết các công việc như sau:
– Phụ trách quản lý phòng thực hành Tin học: 3 tiết/tuần.
– Phụ trách các phòng trình chiếu hay còn gọi là phòng học đa năng dùng chung cho tất cả các môn học: 2 tiết/tuần
– Phụ trách quản lý phần mềm quản lý học sinh Smas: 3 tiết/tuần.
– Phụ trách cài đặt và khắc phục sự cố các phần mềm như quản lý thư viện, quản lý nhân viên, quản lý giáo viên: 1 tiết/tuần.
Khi cuối năm học tính tổng cộng hết số tiết của tổ Tin chúng tôi vượt qua định mức 17 tiết/tuần/giáo viên. Khi đó tổ Tin chúng tôi được nhận tiền thừa giờ cho cả năm học là khoảng 10 triệu đồng(là tổng số tiền mà 4 giáo viên của tổ tin chúng tôi nhận). Đến cuối năm 2017 sở tài chính có về kiểm tra tài chính của trường và nói rằng số tiền khoảng 10 triệu đồng ở trên là chi sai quy định và buộc phải thu hồi. Khi đó Hiệu trưởng và kế toán của trường mới nói 4 giáo viên của tổ Tin chúng tôi phải trả lại số tiền trên. Vậy xin hỏi luật sư việc làm này có đúng không và tổ Tin chúng tôi phải trả lại số tiền trên hay không.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp luật.
– Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT;
– Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như thông tin bạn cung cấp thì có 4 giáo viên thuộc Tổ tin học ở trường THPT. Được Hiệu trưởng phân công kiêm nhiệm công việc:
– Phụ trách quản lý phòng thực hành Tin học: 3 tiết/tuần.
– Phụ trách các phòng trình chiếu hay còn gọi là phòng học đa năng dùng chung cho tất cả các môn học: 2 tiết/tuần
– Phụ trách quản lý phần mềm quản lý học sinh Smas: 3 tiết/tuần.
– Phụ trách cài đặt và khắc phục sự cố các phần mềm như quản lý thư viện, quản lý nhân viên, quản lý giáo viên: 1 tiết/tuần.
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 5 và Điều 6 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT quy định định mức tiết dạy như sau:
“Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm.
2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.
b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.”
“Điều 6. Định mức tiết dạy.
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
…”.
Như vậy, định mức tiết dạy của giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết/tuần x 37 = 629 tiết/năm.
Trong trường hợp giáo viên làm quá số tiết này sẽ được tính lương thừa giờ (lương làm thêm giờ).
Về việc làm thêm giờ được quy định tại Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:
“Điều 106. Làm thêm giờ
1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;
c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.”
Như vậy, pháp luật quy định thời lượng làm thêm giờ là không quá 200 giờ/năm. Căn cứ theo Phần 1 ban hành kèm theo Quyết định 16/2006/QĐ-BGDĐT thì thời lượng mỗi tiết dạy Trung học phổ thông là 45 phút. Bạn có thể tự đối chiều tổng thời gian làm thêm của mỗi giáo viên là bao nhiều theo công thức: số tiết thừa x 45 phút/tiết.
Cách tính thời gian làm thêm giờ sẽ được quy định theo Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định cách tính tiền lương dạy thêm giờ như sau:
“Điều 4. Cách tính tiền lương dạy thêm giờ
1. Công thức tính tiền lương dạy thêm giờ:
a) Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;
b) Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;
c) Tiền lương 01 giờ dạy:
– Đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề:
Tiền lương 01 giờ dạy
=
Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học
x
Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ)
Định mức giờ dạy/năm
52 tuần
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;
– Đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Tiền lương 01 giờ dạy
=
Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học
x
22,5 tuần
Định mức giờ dạy/năm
52 tuần
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý, cán bộ Đoàn, Hội tham gia giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giảng viên cùng chức danh, bộ môn của cơ sở giáo dục đó;
…”
Như vậy, bạn có thể tự đối chiếu thời gian thừa giờ của 4 giáo viên để tính được số tiền làm thêm giờ của các bạn. Nếu số tiền 10 triệu đồng là tiền Nhà trường chi trả cho 4 giáo viên là số tiền thừa giờ trong một năm thì việc các bạn nhận được số tiền đấy là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thông tin bạn đưa ra không đầy đủ nên không thể xác định được rõ việc báo cáo tài chính cuối năm của Nhà trường bạn làm có đúng hay không? Nên vấn đề này bạn cần phải liên hệ với ban giám hiệu Nhà trường để tìm hướng giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hành chính của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật hành chính trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua email, trả lời bằng văn bản
- Tư vấn luật hành chính, khiếu nại hành chính trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!