Giáo viên trong thời gian nghỉ hè có đánh nhau có bị xử lý kỷ luật không? Thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức là bao lâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào các anh/chị ! Em có một câu hỏi muốn nhờ anh chị tư vấn giúp ah, chẳng là năm học 2016 - 2017 (năm ngoái) tháng 6/2017 em được đánh giá là GV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng đến tháng 7/2017 do có chút việc riêng (trong thời gian nghỉ hè em có xô xát với 1 người ngoài) ngành đã áp dụng hình thức cảnh cáo đối với em về việc không giữ hình ảnh giáo viên và đã bãi bỏ toàn bộ thành tích của em trong năm 2016 - 2017 từ giáo viên xuất sắc xuống không hoàn thành nhiệm vụ (quyết định kỉ luật vào ngay 25/7/2017). đến năm học này năm học 2017 - 2018 ngành tiep tuc đánh giá e là không hoàn thành nhiem vụ (mặc dù chuyên môn của em vẫn được đánh giá Giỏi) do căn cứ theo quyết định kỷ luật đó như vậy là đúng hay sai? như vậy là với hình thức kỷ luật cảnh cáo của e sẽ bị xử phạt 2 năm liền kề rồi đúng không ạ? e rất mong các anh chị tư vấn giúp em ! em xin chân thành cảm ơn !!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Xử lý kỷ luật có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo dựng ý thức trách nhiệm cho viên chức trong quá trình làm việc. Xử lý kỷ luật viên chức là một hình thức xử lý đối với viên chức trong khi thực hiện công việc có những hành vi, cư xử vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật cũng gây ảnh hưởng khá nhiều tới viên chức trong quá trình xét đánh giá phân loại, ảnh hưởng tới thời hạn nâng lương và những quyền lợi khác của người này. Trường hợp của bạn cũng gặp những khó khăn phát sinh từ việc xử lý kỷ luật này, vậy phương hướng giải quyết đối với trường hợp của bạn như sau:
Thứ nhất, về vấn đề nhà trường áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với bạn, hủy toàn bộ thành tích từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống không hoàn thành nhiệm vụ do bạn có hành vi xô xát với một người ngoài trong thời gian nghỉ hè là không có cơ sở.
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cảnh cáo, nếu bạn thuộc một trong những trường hợp sau thì bị xem xét xử lý bằng hình thức cảnh cáo:
– Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng;
Nếu nhà trường đánh giá việc xô xát là gây mất hình ảnh giáo viên, tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử là thuộc diện bị xem xét cảnh cáo. Tuy nhiên, việc xô xát với một người ngoài trong thời gian nghỉ hè lại không phải hành vi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp “trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp”. Do vậy, không thể áp dụng trường hợp này để xử lý kỷ luật cảnh cáo với bạn được.
“- Không chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền hoặc không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị;
– Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp;
– Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng được tính trong tháng dương lịch hoặc từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc liên tiếp, mà không có lý do chính đáng;
– Phân biệt đối xử dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức;
– Lợi dụng hoạt động nghề nghiệp để tuyên truyền chống lại chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc gây phương hại đối với thuần phong, mỹ tục, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và xã hội;
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
– Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về đơn vị sự nghiệp công lập nơi viên chức đang công tác;
– Viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý, để viên chức thuộc quyền quản lý, phụ trách vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
– Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý;
– Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.”
Như vậy, tổng hợp mọi trường hợp liên quan đến xử lý kỷ luật cảnh cáo, bạn đều không thuộc một trong các diện này. Do đó, việc nhà trường áp dụng hình thức cảnh cáo, hủy toàn bộ thành tích từ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống không hoàn thành nhiệm vụ do bạn có hành vi xô xát với một người ngoài trong thời gian nghỉ hè là trái với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức.
Nếu nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, bạn có thể khiếu nại tới Hiệu trưởng nhà trường về quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo để được xem xét giải quyết và có câu trả lời thuyết phục về quyết định này.
Trường hợp bạn không khiếu nại và vẫn chấp hành quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo thì căn cứ theo Khoản 3 Điều 19 Nghị định 27/2012/NĐ-CP:
“Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.”
Theo quy định này, thời hạn có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với bạn là 12 tháng, kể từ ngày quyết định này có hiệu lực, tức 25/7/2017- 25/7/2018, nếu bạn không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật cảnh cáo này.
Ngoài ra, như bạn đã đề cập, đến năm học 2017- 2018, nhà trường tiếp tục đánh giá bạn không hoàn thành nhiệm vụ theo quyết định kỷ luật cảnh cáo là sai. Căn cứ quy định tại Điều 28 Nghị định 56/2015/NĐ-CP về tiêu chí đánh giá phân loại viên chức ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ:
1. Viên chức không giữ chức vụ quản lý có một trong các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Hoàn thành dưới 70% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;
b) Chưa nghiêm túc chấp hành sự phân công công tác của người có thẩm quyền; thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
c) Thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ không đạt yêu cầu;
d) Vi phạm quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ;
đ) Vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức, gây phiền hà, sách nhiễu với nhân dân đến mức phải xử lý kỷ luật;
e) Có hành vi chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết tại cơ quan, đơn vị;
g) Không có tinh thần phối hợp với đồng nghiệp, cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của đơn vị;
h) Vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ đến mức phải xử lý kỷ luật.
Như vậy, cần căn cứ vào thời hạn hết hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật so với thời điểm đánh giá phân loại viên chức để xác định năm học này bạn có còn bị đánh giá là viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hay không:
– Nếu thời hạn hết hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật trước thời điểm đánh giá phân loại viên chức, tức thời điểm đánh giá phân loại viên chức diễn ra sau ngày 25/7/2018 thì không thể áp dụng tiêu chí “Vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ đến mức phải xử lý kỷ luật” để làm căn cứ xác định năm học này bạn bị đánh giá là viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp bạn thuộc bảy trường hợp còn lại.
– Nếu thời hạn hết hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật sau thời điểm đánh giá phân loại viên chức, tức thời điểm đánh giá phân loại viên chức diễn ra trước ngày 25/7/2018 thì nhà trường vẫn có thể áp dụng tiêu chí “Vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ đến mức phải xử lý kỷ luật” để làm căn cứ xác định năm học này bạn bị đánh giá là viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là việc áp dụng về thời hạn hết hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật và tiêu chí đánh giá viên chức chứ không phải việc áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo hai năm liền như bạn vẫn nhầm tưởng.
Do vậy, để bảo đảm quyền lợi của mình, bạn nên đề nghị xem xét, giải quyết lại quyết định xử lý kỷ luật cảnh cáo của mình vào năm học 2016- 2017.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!