Hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Công ty có được quyền giữ lương khi người lao động tự ý nghỉ việc không?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào văn phòng luật sư! Thứ nhất! Tôi đang làm việc tại một công ty TNHH và Công nghiệp tại Hưng Yên, trong quá trình làm việc tại công ty tất cả công nhân nghỉ không thông báo với cấp trên hoặc có thông báo và không xin được giấy phép (chữ kí của giám đốc sản xuất người nước ngoài). Đã bị phạt, bị trừ vào lương là 300 nghìn 1 ngày/1 người. Tôi xin hỏi sự việc trên có đúng với pháp luật không? Thứ hai! Sau 1 thời gian làm việc tại cty đó, vì lý do sức khỏe tôi đã viết đơn xin nghỉ việc. Theo quy định thì tôi phải làm 45 ngày bàn giao công việc. Trong 45 ngày đó tôi có nghỉ 6 ngày không báo với cấp trên. Tôi có đi làm lại nhưng phía công ty gạch tên của tôi và thông báo tôi đơn phương chấm dứt hợp đồng! Công ty không trả lương, sổ bảo hiểm và quyết định cho nghi việc thì 3 tháng sau mới lấy được? Tôi xin hỏi theo luật như vậy có đúng không? Vấn đề nữa là 6ngày tôi nghỉ không báo với quản lý có được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng không? Xin chân thành cảm ơn ạ!
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật lao động – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Hiện nay, nhiều người lao động không muốn tiếp tục làm việc với công ty nữa vì có nhiều lý do như: do phía công ty có những chính sách mà người lao động thấy không phù hợp và mang tính chất bóc lột sức lao động của họ. Nhưng người lao động không hiểu rõ bản chất để chấm dứt hợp đồng lao động hay tố cáo các hành vi vi phạm của phía công ty, nên người lao động thường hay có hành vi đình công sai quy định dẫn đến tình trạng chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu người lao động gặp phải tình huống như vậy cần làm như thế nào là hợp pháp?
Thứ nhất, bạn đề cập đến bạn đang làm việc tại một công ty ở Hưng Yên, trong quá trình làm việc tại công ty tất cả công nhân nghỉ không thông báo với cấp trên hoặc có thông báo và không xin được giấy phép. Đã bị phạt, bị trừ vào lương là 300 nghìn 1 ngày/1 người. Bạn cung cấp thông tin chưa được rõ ràng, người lao động nghỉ việc không báo trước như vậy trong thời hạn bao lâu? Nếu người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 01 tháng người sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ Luật lao động năm 2012:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
…
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.”
Việc người sử dụng lao động phạt người lao động nghỉ không lý do khấu trừ vào lương 300.000 đồng một ngày/ 01 người căn cứ theo quy định tại Điều 101 Bộ Luật lao động năm 2012:
“Điều 101. Khấu trừ tiền lương
1. Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 130 của Bộ luật này.
2. Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình.
3. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập”.
Như vậy, việc người sử dụng lao động phạt lỗi người lao động bằng cách trừ thẳng vào lương mỗi ngày nghỉ là 300.000 đồng là không đúng theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của người sử dụng lao động. Lưu ý, mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập.
Thứ hai, bạn viết đơn xin nghỉ việc, hợp đồng lao động bạn làm là hợp đồng lao động không xác định thời hạn do đó thời hạn báo trước khi nghỉ cho phía người sử dụng lao động là 45 ngày theo quy định của pháp luật. Trong thời gian 45 ngày này bạn nghỉ không lý do là 06 ngày, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Bộ Luật lao động năm 2012 có đề cập ở trên, nếu bạn nghỉ việc không lý do trong 05 ngày cộng dồn 1 tháng trở lên, bên phía công ty bạn có quyền sa thải bạn.
Về vấn đề công ty không trả lương, sổ bảo hiểm và quyết định cho nghỉ việc và nêu sau 03 tháng mới lấy được. Căn cứ theo quy định Điều 96 Bộ luật lao động 2012 có quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”
Như vậy, cần phải xem xét lý do gì công ty không trả đúng lương cho bạn, về lý do bạn nghỉ 06 ngày trên không phải là lý do được phép trả muộn lương cho bạn. Căn cứ quy định trên người sử dụng lao động phải trả lương cho bạn đầy đủ khi đến hạn theo như hợp đồng đã thỏa thuận và hàng tháng bạn vẫn nhận. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất Ngân hàng tại thời điểm đó.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động thì:
“Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 7 ngày, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lời của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Nghĩa là trong trường hợp này, bên công ty sẽ phải thanh toán đầy đủ cho bạn khoản lương tháng còn lại cho bạn cùng với sổ bảo hiểm đã chốt thời gian đóng tại đó và quyết định nghỉ việc, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Trong trường hợp quá 30 ngày rồi mà phía công ty vẫn từ chối thanh toán tiền cho bạn thì bạn có thể nhờ công đoàn cơ sở; hòa giải viên lao động giải quyết vấn đề này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!