Hậu quả khi người lao động chấm dứt hợp đồng trái quy định. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và hậu quả pháp lý.
Bộ luật lao động quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả tất yếu là người lao động sẽ bị mất đi một số quyền lợi của mình. Pháp luật đã quy định những hậu quả pháp lý mà người lao động sẽ phải gánh chịu từ hành vi trái pháp luật.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật cần phải đảm bảo về lý do đơn phương chấm dứt hợp đồng và thời hạn báo trước chấm dứt hợp đồng theo Điều 37 Bộ luật lao động 2012. Nếu không thực hiện đúng theo Điều 37 thì được xác định là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 41 Bộ luật lao động 2012.
Như vậy, nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ được thực hiện theo Điều 43 Bộ luật lao động 2012 như sau:
Thứ nhất, không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trợ cấp thôi việc là những đảm bảo vật chất đối với người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động trong trường hợp do pháp luật quy định nhằm giúp người lao động giải quyết một phần khó khăn khi không có thu nhập để ổn định đời sống, tìm kiếm công việc mới. Cụ thể hơn, trợ cấp thôi việc là khoản tiền của người sử dụng lao động trả cho người lao động thuộc quyền quản lý khi người lao động thôi việc theo các trường hợp đã quy định của pháp luật. Có thể thấy trợ cấp thôi việc là một chế độ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động khi tham gia quan hệ việc làm.
Khi tham gia quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động phải chấp hành những quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ trong quá trình sử dụng lao động. Việc chi trả trợ cấp thôi việc thể hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động khi người lao động đã cống hiến trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức….Như vậy, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc vì đã không chấp hành đúng quy định của pháp luật, bên cạnh đó còn phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền theo hợp đồng lao động.
Thứ hai, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Pháp luật quy định khi người lao động có ý định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có trách nhiệm thông báo trước cho người sử dụng lao động một thời gian hợp lý để người sử dụng lao động có thời gian xem xét lý do chấm dứt hợp đồng lao động, tìm kiếm người lao động mới thay thế vị trí của người lao động cũ, sắp xếp, bố trí lại nhân sự để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Do vậy, khi người lao động không chấp hành đúng thời hạn báo trước có thể khiến cho đơn vị bị thiệt hại nên người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
Thứ ba, phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động khi giữa người lao động và người sử dụng lao động ký hợp đồng đào tạo nghề.
Trong quá trình làm việc, người sử dụng và người lao động có thể thỏa thuận về việc ký hợp đồng đào tạo nghề cho người lao động nhằm mục đích nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc người ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động. Trong hợp đồng lao động hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về nghề đào tạo, địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo, chi phí đào tạo, trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo,… Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài.
Như vậy, khi người sử dụng lao động đã bỏ ra chi phí để đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động với mục đích sau khi được đào tạo thì người lao động sẽ phải làm việc cho người sử dụng lao động trong một thời gian dài, áp dụng những gì đã được học, được đào tạo vào công việc để hoạt động của đơn vị tốt hơn, phát triển hơn. Do đó, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật tức là đã vi phạm hợp đồng đào tạo nên người lao động sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật lao động của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Tư vấn luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động trực tiếp tại văn phòng
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!