Hệ quả pháp lý của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập. Điều kiện thực hiện việc đại diện theo quyền. Chế định về đại diện theo pháp luật dân sự 2015.
Trên thực tế, mỗi cá nhân chúng ta đều không thể ôm đồm tất cả mọi việc, có những việc, có những trường hợp đặt ta vào tình thế bắt buộc phải ủy quyền đại diện thay mình thực hiện giao dịch. Dựa theo nhu cầu trên thực tế như vậy dẫn đến việc ủy quyền là điều tất yếu. Trong bài viết này, Luật Dương Gia đưa phân tích các khía cạnh xung quanh việ thực hiện giao dịch qua người đại diện như sau:
1. Khái niệm đại diện
Đại diện là một chế định rất quan trọng và được sử dụng rất phổ biến trong giao dịch giữa các chủ thể với nhau hiện nay. Đại diện được pháp luật quy định cụ thể tại Chương IX Bộ luật dân sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật thì đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
2. Các trường hợp được đại diện
Hiện nay có ba loại đai diện thường gặp trong thực tế, tạo điều kiện để đảm bảo cho quá trình thực hiện các giao dịch dân sự một cách nhanh chóng và thuận tiện khi người có quyền không có thời gian hay khả năng thực hiện các giao dịch đó có thể do sự kiện bất khảng kháng, hay vì các lý do khách quan khác thì thể nhờ người khác đại diện thực hiện thay trong phạm vi mà họ được đại diện.
Các hình thức đại diện bao gồm :
* Đại diện theo pháp luật của cá nhân
– Cha, mẹ có thể đại diện đối với con chưa thành niên như xác lập mua bán tài sản tặng cho, thừa kế riêng của con trong các giao dịch dân sự hay đại diện bồi thường thiệt hại các hành vi vi phạm khi con gây ra..
– Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định như nhưng người bị tòa án tuyên là hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có tài sản riêng không thể tự mình xác lập giao dịch dân sự phải thông qua người giám hộ..
– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện như trường hợp trẻ mồ côi, trẻ lang thang không có người thân thích.
– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự như những người đang cai nghiện, nghiện rượu hoặc các chất kích thích khác .
* Đại diện theo pháp luật của pháp nhân
– Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
– Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ. Người đại diện ghi trong điều lệ của công ty quy định rõ các quyền và nghĩa vụ khi người có nghĩa vụ không có điều kiện để thực hiện giao dịch dân sự thì người đại diện có thể là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc ;
– Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật có thể ghi trong giấy đăng ký kinh doanh như là tổng giám đốc, giám đốc, có thể thay thế chủ sở hữu công ty đại diện thực hiện trong các giao dịch dân sự ;
– Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án như trong các vụ về bồi thường thiệt hại mà do người điều khiển xe gây tai nạn giao thông hiện đang nằm viện không có điều kiện để tham gia tố tụng.
– Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân như chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên của một công ty.
* Đại diện theo ủy quyền
Theo quy định của pháp luật thì đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.
Người đại diện theo ủy quyền có thể cá nhân, người đại diện theo pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể ủy quyền cho người khác nhân danh mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.
– Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự ví dụ như giám đốc của công ty có thể ủy quyền cho nhân viên của mình đi ký kết hợp đồng hay tham gia tố tụng dân sự để giải quyết việc công ty.
– Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện như quá trình mua bán bất động sản của người chưa thành niên phải có người đại diện hợp pháp mới thực hiện được.được việc mua bán.
3. Hệ quả pháp lý của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập
Trên thực tế khi quan hệ đại diện được xác lập giữa các bên, người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện của minh thì theo quy định của pháp luật giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
– Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
– Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.
Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp người đại diện đã xác lập, thực hiện giao dịch vượt quá thẩm quyền đại diện cho phép. Trong trường hợp này giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
– Người được đại diện đã công nhận giao dịch; Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý. Đối với đại diện theo ủy quyền mà người đại diện xác lập thực hiện giao dịch vượt quá phạm vi ủy quyền mà người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối thì giao dịch đó vẫn có hiệu lực đối với người được đại diện. Nếu người được đại diện không đồng ý xác lập thực hiện giao dịch thì phần xác lập thực hiện do người đại diện xác lập vượt quá phạm vi đại diện không có hiệu lực với người đại diện . Người đại diện phải tự chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ dân sự với những người tham gia giao dịch.
Tuy nhiên, đối với đại diện theo pháp luật của pháp nhân thì căn cứ vào điều lệ của pháp nhân, căn cứ vào nhiệm vụ quyền hạn của người đứng đầu pháp nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để xem xét người đại diện có vượt quá phạm vi đại diện hay không? Nếu vượt quá thì pháp nhân sẽ không chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người đại diện, người đại diện phải tự mình thực hiện phần vượt quá đó.
– Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.
– Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
– Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định. Trong trường hợp người tham gia giao dịch biết người đại diện thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì phần giao dịch vượt quá đó có hiệu lực đối với người tham gia giao dịch.
– Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp người tham gia giao dịch và người đại diện thông đồng để thông đồng để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hai cho người được đại diện thì phải tự chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Như vậy, cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!