Hồ sơ thành lập công ty cổ phần với ngành nghề ngân hàng. Tư vấn về cách soạn thảo điều lệ công ty cổ phần.
Tóm tắt câu hỏi:
- Hồ sơ thành lập công ty cổ phần với ngành nghề là ngân hàng, chứng khoán và thẩm định giá, gồm có 2 cổ đông sáng lập và 5 thành viên khác thì cần chuẩn bị những gì? - Điều lệ công ty thì chung cho cả 3 ngành, hay là mỗi ngành có 1 điều lệ riêng? - Cách viết điều lệ công ty ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật doanh nghiệp – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Cùng với việc đầu tư, sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư, đặc biệt là những người khởi nghiệp đều mong muốn lựa chọn được một hình thức doanh nghiệp phù hợp. Việc thành lập công ty theo mô hình nào, hồ sơ thành lập ra sao là một trong những vướng mắc của nhà đầu tư khi bắt đầu khởi nghiệp. Trường hợp của bạn cũng là một ví dụ như vậy. Để giải đáp thắc mắc này của bạn cần xem xét các phương diện sau:
Thứ nhất, về hồ sơ thành lập công ty cổ phần với ngành nghề ngân hàng, chứng khoán, thẩm định giá.
Trước hết, theo thông tin, bạn đang muốn thành lập công ty cổ phần với ngành nghề là ngân hàng, chứng khoán và thẩm định giá gồm có 02 cổ đông sáng lập và 5 thành viên.
Về vấn đề này, căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì khái niệm công ty cổ phần được xác định như sau:
“Điều 110. Công ty cổ phần
1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này.
2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại để huy động vốn.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2014 được trích dẫn ở trên, có thể thấy, công ty cổ phần được sáng lập bởi các cổ đông và không có thành viên góp vốn. Đồng thời, để thành lập một công ty cổ phần thì phải có ít nhất là 03 cổ đông sáng lập và không hạn chế số lượng cổ đông tham gia. Do vậy, nguyện vọng muốn thành lập một công ty cổ phần có 2 cổ đông sáng lập và 5 thành viên khác của bạn sẽ không thực hiện được mà bạn phải lựa chọn hình thức doanh nghiệp khác.
Trường hợp bạn vẫn muốn thành lập công ty cổ phần thì bạn phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Về hồ sơ thành lập công ty cổ phần, căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật doanh nghiệp năm 2014, Điều 22, 27 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Điều lệ công ty.
Danh sách danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.
Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
– Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
– Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền (trong trường hợp cụ thể là bạn) sẽ thực hiện nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty của bạn đặt trụ sở chính. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho bạn.
Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sau khi được số hóa vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, theo thông tin bạn cung cấp, công ty của bạn có ngành nghề kinh doanh là ngân hàng, chứng khoán, và thẩm định giá mà căn cứ theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư ngày 22 tháng 11 năm 2016 thì kinh doanh chứng khoán, ngân hàng, thẩm định giá là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, để công ty của bạn có thể hoạt động với những ngành nghề này, trước khi thành lập, bạn phải xác định công ty của mình đáp ứng điều kiện và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, về việc tạo lập Điều lệ công ty cho công ty cổ phần mà bạn dự định thành lập.
Hiện nay trong quy định của pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm Điều lệ công ty, tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Do vậy, có thể khẳng định, mỗi công ty chỉ có Điều lệ chung cho Công ty, và việc ban hành, tạo lập Điều lệ công ty không phụ thuộc vào công ty có bao nhiêu ngành nghề kinh doanh. Do vậy, không phải mỗi ngành mà công ty kinh doanh thì có một điều lệ riêng, mà công ty chỉ có một Điều lệ chung áp dụng cho cả công ty.
Về cách viết Điều lệ công ty, bạn có thể tự tạo lập, nhưng căn cứ theo quy định tại Điều 25 Luật doanh nghiệp năm 2014, Điều lệ của công ty cổ phần mà bạn dự định thành lập cần có những nội dung chủ yếu sau:
– Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần.
– Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của cổ đông sáng lập; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
– Quyền và nghĩa vụ của cổ đông.
– Cơ cấu tổ chức quản lý;
– Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần;
– Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
– Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
– Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần.
– Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
– Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
– Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
Điều lệ công ty cổ phần khi bạn đi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức. Điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Bạn cần căn cứ vào tình hình thực tế của công ty bạn để xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật doanh nghiệp của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật doanh nghiệp tại văn phòng, tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!