Hỏi đáp chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng khi nghỉ việc. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư em năm nay 33 tuổi, làm việc ở 1 công ty có đóng đầy đủ 03 loại BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 04/2009 đến nay, nếu hiện tại năm cuối năm 2017 em xin nghỉ việc thì chế độ bảo hiểm sẽ được tính thế nào? và em còn muốn hỏi 1 việc "mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội" được tính như thế nào? bình quân tiền lương của tất cả những năm đã đóng bảo hiểm, hay là lấy bình quân của 5 năm cuối trước khi nghĩ?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý:
– Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
2.Giải quyết vấn đề:
Các chế độ bảo hiểm mà bạn được hưởng sau khi nghỉ việc như sau:
Thứ nhất, trợ cấp thất nghiệp:
Điều hiện hưởng trợ cấp thất nghiệp quy định tại Điều 49 Luật việc làm 2013 như sau:
“Điều 49. Điều kiện hưởng:
Người lao động quy định tại khoản 1, Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, trừ các trường hợp:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng
e) Chết.”
Như vậy, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện:
+ Chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định của pháp luật.
+ Có đủ thời gian đóng bảo hiểm, đối với trường hợp của bạn là hợp đồng lao động không xác định thời hạn là từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
+ Đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
+ Chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng Bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; chết.
Thứ hai, chế độ Bảo hiểm y tế:
Bạn sẽ được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng chế độ thất nghiệp, bảo hiểm y tế này sẽ do bảo hiểm xã hội đóng theo theo Khoản 2.6 Điều 17 Quyết định 595/QĐ-BHXH.
Còn nếu không, căn cứ quy định tại Điểm 2.1 Khoản 2, Điều 50 Quyết định 595/QĐ-BHXH. :
“2.1. Đơn vị
a) Thực hiện lập, nộp hồ sơ; trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo đúng quy trình, quy định tại Văn bản này và quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Trường hợp đơn vị lập danh sách báo giảm chậm, đơn vị phải đóng số tiền BHYT của các tháng báo giảm chậm và thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết các tháng đó.”
Khi bạn nghỉ việc, đơn vị sử dụng lao động sẽ có nghĩa vụ báo giảm lao động với cơ quan BHXH, do vậy, thẻ BHYT của bạn sẽ chỉ có giá trị sử dụng đến hết tháng mà Công ty bạn báo giảm hồ sơ đóng BHYT của bạn, hết tháng báo giảm, thẻ BHYT ở công ty của bạn sẽ không còn giá trị sử dụng nữa. Thay vào đó bạn có thể tham gia BHYT hộ gia đình để đảm bảo quyền được khám chữa bệnh cũng như quyền lợi 5 năm liên tục tham gia bảo hiểm y tế.
Thứ ba, trợ cấp một lần:
Điều 8 Nghị định 115/2015 NĐ-CP quy định các đối tượng được hưởng chế độ Bảo hiểm 1 lần như sau:
“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;
c) Ra nước ngoài để định cư;
d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;”
Trường hợp của bạn đã đóng bảo hiểm được hơn 8 năm, trừ các trường hợp quy định tại khoản a, c, d Điều này, bạn sẽ được hưởng bảo hiểm 1 lần nếu bạn đã nghỉ việc 1 năm mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Về mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội:
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Do bạn không nói rõ bạn được nhận lương do người sử dụng lao động quyết định hay do nhà nước quy định, nên có thể xem xét các trường hợp sau:
+ Trường hợp bạn là người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu, do bạn tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006.
+Trường hợp bạn là người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.
Theo như những gì bạn cung cấp, thời điểm đóng bảo hiểm của bạn bắt đầu từ tháng 04/2009 và bạn có dự định nghỉ việc vào cuối năm 2017, do bạn không nói rõ cụ thể là thôi việc vào tháng nào, nên số năm đóng bảo hiểm của bạn sẽ là 8 năm tính đến tháng 4/2017, số tháng lẻ còn lại sẽ được làm tròn là 0.5 năm đối với số tháng lẻ từ 1-6 tháng, và 1 năm đối với số tháng lẻ từ 7-11 tháng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!