Hỏi đáp về luật lao động đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân. Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có quyền lợi gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Câu hỏi: Câu 1: Người lao động ký hợp đồng lao động với công ty theo loại hợp đồng không xác định thời hạn, mỗi tuần người lao động làm việc các buổi thứ 2, 4,6 với một mức lương Ađ, các ngày còn lại trong tuần người lao động tự sắp xếp làm các công việc riêng của mình, các quyền và nghĩa vụ được thực hiện như người lao động làm việc trọn thời gian. Hỏi: Người lao động trên có phải đóng bảo hiểm xá hội bắt buộc hay không? Câu 2: 2. Một lao động A ký hợp đồng với Doanh nghiệp như sau: 1)Hợp đồng 01: Thời gian 03 tháng: từ ngày 01/01/2016 đến 31/3/2016: Làm thợ phụ khuân vác vật liệu xây dựng. 2) hợp đồng 02: thời gian 03 tháng : từ 01/4/2016 đến 30/6/2016 : làm thợ xây 3) hợp đồng 03: thời gian 03 tháng: từ 01/7/2016 đến 30/9/2016: làm thợ cốt pha 4) hợp đồng 04: thời gian 3 tháng: từ 01/10/2016 đến 31/12/2016 : làm thợ sắt xin hỏi : vậy các hợp đồng trên có hợp lệ không và anh A phải đóng bảo hiểm ko?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Câu 1: Người lao động trong trường hợp này thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.”
Như vậy, người lao động trong trường hợp này là công dân Việt Nam, có ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người sử dụng lao động thì thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là loại hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, pháp luật về bảo hiểm chỉ quy định hợp đồng lao động không xác định thời hạn thuộc diện phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tức chỉ cần tồn tại loại hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động mà không quan tâm nội dung công việc của người lao động có tính chất như thế nào. Việc các buổi thứ 2, 4, 6 người lao động làm việc với một mức lương cụ thể và các ngày còn lại tự sắp xếp công việc riêng của mình, quyền và nghĩa vụ được thực hiện như người lao động làm việc trọn thời gian không ảnh hưởng tới quyền lợi được tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động này.
Câu 2:
Hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng là một trong ba loại hợp đồng lao động được quy định tại Điều 22 Bộ luật lao động 2012.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 22 Bộ luật lao động 2012 về việc chuyển đổi loại hợp đồng:
“Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.”
Như vậy, pháp luật chỉ cho phép ký kết hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng tối đa 02 lần. Việc ký kết hợp đồng lao động theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng 02 lần liên tiếp phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn; nếu không ký kết trong thời hạn này thì hợp đồng này sẽ chuyển đổi thành hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn 24 tháng.
Việc hạn chế số lần ký kết hợp đồng chỉ áp dụng với “một công việc nhất định”, tức: Nếu A ký kết hợp đồng 1 có thời hạn 03 tháng với công việc thợ phụ khuân vác vật liệu xây dựng thì chỉ được ký hai lần hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng với chính công việc này. Việc công việc khác nhau không bị hạn chế về số lần ký kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng. Như vậy, nếu người lao động A ký kết hợp đồng theo lộ trình sau là không vi phạm quy định pháp luật lao động:
– Hợp đồng 1: thời hạn 03 tháng: thợ phụ khuân vác vật liệu xây dựng;
– Hợp đồng 2: thời hạn 03 tháng: thợ xây;
– Hợp đồng 3: thời hạn 03 tháng: thợ cốt pha;
– Hợp đồng 4: thời hạn 03 tháng: thợ sắt.
Như vậy, việc ký kết nhiều hợp đồng có thời hạn 03 tháng nhưng với những công việc khác nhau là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất công việc, chỉ có một số việc mới được thực hiện theo dạng hợp đồng dưới 12 tháng, người sử dụng lao động và người lao động A cần có hướng ký kết hợp đồng phù hợp với tính chất công việc.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!