Hỏi đáp về mức lãi suất khi cho vay theo quy định của pháp luật. Mức lãi suất của các tổ chức tín dụng khi cho vay.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có vay bên ngân hàng Doctordong la 3 triệu đồng nhưng tôi chỉ nhận được là 2,5 triệu vnd, từ ngày 23/2/2018 hạn phải trả là ngày 25/3/2018 số tiền phải trả là 3.480.000 vnd, cho đến ngày 23/3/2018 tôi nhận được một tin nhắn từ số điện thoại 0901800836 bắt tôi phải thanh toán số tiền là 3.642.500 vnd. tôi không hiểu sao lại ăn lời như vậy. Vay có 2,5 triệu trong dòng 1 tháng tiền vnd lời hơn 1 triệu, như vậy pháp luật nhà nước có còn nữa hay không.
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật dân sự – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Cơ sở pháp lý:
– Luật các tổ chức tín dụng 2010
2.Giải quyết vấn đề.
Lãi suất là một trong những nội dung quan trọng thường được đề cập đến trong hợp đồng vay, theo đó bên vay sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi cho bên cho vay khi đến hạn. Về mức lãi suất sẽ do các bên tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá phạm vi theo quy định của pháp luật. Theo thông tin mà bạn cung cấp hiện nay bạn có vay một khoản tiền của Ngân hàng với mức lãi suất cao, để biết được Ngân hàng có vi phạm pháp luật hay không chúng tôi xin trình bày như sau:
Căn cứ theo quy định của pháp luật tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1.Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2.Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3.Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4.Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5.Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn vay của ngân hàng một khoản tiền đến kỳ hạn trả nợ phải trả đủ số tiền đã vay và tiền lãi. Bạn vay của ngân hàng 3 triệu đồng nhưng chỉ nhận được 2,5 triệu đồng nên bạn cần phải xuất trình giấy biên nhận tiền, hoặc bằng chứng để chứng minh số tiền thực tế vay là 2,5 triệu. Theo đó khoản lãi sẽ chỉ phát sinh trên khoản tiền bạn thực tế vay. Trong hợp đồng vay hay giấy tờ vay nợ có nêu rõ mức lãi bạn phải đóng nên bạn chỉ cần tuân thủ hợp đồng với số lãi cam kết trả. Đối với vấn đề phát sinh thêm lãi mà bạn không được thông báo hay không có sự đồng ý của bạn thì khoản phát sinh đó sẽ không được công nhận
Đối với phần lãi suất mà Ngân hàng yêu cầu bạn trả thì căn cứ vào Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định:
“1. Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.”
Ngoài ra Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng:
“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”
Theo quy định trên thì mức lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng. Như vậy lãi suất trên tháng mà bạn đã thỏa thuận và ghi trong hợp đồng vay với ngân hàng là mức lãi được áp dụng. Ngân hàng sẽ không vi phạm quy định của pháp luật về mức lãi suất cho bạn vay nếu mức lãi suất vượt quá mức do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn theo quy định của luật
Như vậy nếu như bạn và Ngân hàng có thể thỏa thuận với nhau về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động tín dụng. Và cả bạn và Ngân hàng đều phải tuân thủ thỏa thuận đó, nếu có thay đổi gì phải được sự đồng ý của bạn mới được áp dụng mức lãi suất mới. Cho nên việc yêu cầu bạn nộp một khoản lãi mà trước đó không có thỏa thuận gì với bạn là hoàn toàn vô căn cứ. Do đó, bạn chỉ cần thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo cam kết mà bạn đã ký với Ngân hàng.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về luật dân sự của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến miễn phí qua tổng đài điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật dân sư tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!