Hỏi về trách nhiệm khi tham gia giao thông gây tai nạn chết người. Nguyên tắc tham gia giao thông đối với người đi bộ.
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ em đi bộ dưới lòng đường sát mép lề đường va chạm với thanh niên điều khiển có sử dụng bia rượu và thiếu quan sát đã và chạm mẹ em chết. Đoạn đường không có vỉa hè chưa được ốp gạch và bị người kinh doanh lấn làn đường không có làn đường dành cho người đi bộ. Công an kết luận mẹ em đi không đúng phần đường quy định là như thế nào. Thành niên kia bị ngồi tù không. Trường hợp không có vỉa hè thì đi như thế lại kết luận là sai luật. Vậy mẹ em có lỗi không?
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật giao thông – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1.Căn cứ pháp lý.
Luật giao thông đường bộ 2008.
Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.
2. Giải quyết vấn đề.
Thứ nhất: Trách nhiệm của người đi bộ.
Căn cứ vào Điều 32 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:
” Điều 32. Người đi bộ
1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.“.
Như vậy, Người đi bộ khi tham gia giao thông phải tuân thủ đầy đủ quy định theo pháp luật giao thông đường bộ, phải đi trên hè phố, lề đường, chỉ khi trong trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ mới được đi dưới lòng đường nhưng phải đi sát mép đường.
Căn cứ theo những thông tin bạn cung cấp thì đối với đoạn đường mẹ bạn tham gia giao thông có hè phố mà mẹ bạn không đi trên hè phố, lề đường đó là mẹ bạn đã vi phạm quy định về Luật giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, Căn cứ theo Điều 36 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2008:
“1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
3. Không được thực hiện các hành vi sau đây:
a) Các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này;
b) Đổ rác hoặc phế thải không đúng nơi quy định;
c) Xây, đặt bục, bệ trái phép trên đường”.
Khi người kinh doanh có hành vi sử dụng hè phố gây cản trở giao thông, gây mất an toàn giao thông ( trừ trường hợp đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép) thì họ cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng với mức tỷ lệ lỗi của mình. Tuy nhiên, căn cứ theo nguyên tắc xử phạt mang tính chủ thể khi có hành vi vi phạm thì chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đồng nghĩa với việc người chủ kinh doanh phải chịu trách nhiệm tương ứng với hành vi của họ thì khi mẹ bạn có hành vi vi phạm quy định pháp luật cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm tương ứng.
Thứ hai: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông.
Căn cứ theo Điều 260 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“ Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…”.
Với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ như sử dụng rượu bia “có nồng độ cồn vượt mức pháp luật quy định” (nếu có), không chú ý quan sát của người điều khiển phương tiện giao thông và gây hậu quả làm chết một người thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật giao thông của chúng tôi:
- Đường dây nóng tư vấn pháp luật giao thông đường bộ trực tuyến miễn phí
- Luật sư tư vấn pháp luật giao thông qua email, trả lời bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật giao thông tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!