Khoan khảo sát địa chất có phải là nghành nghề lao động nặng nhọc độc hại không? Điều kiện hưởng lương hưu khi làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi tên Sơn làm ở một công ty tư vấn xây dựng nghành giao thông(chuyên khảo sát thiết kế các công trình giao thông) tại Huế Trong suốt thời gian 25 năm công tác tôi chỉ làm một công việc chuyên về khoan khảo sát địa chất các công trình giao thông. Nhưng qua từng thời kỳ Chức danh của tôi ghi là: 1- công nhân nhân khoan địa chất, thuộc tổ địa chất, đội khảo sát 2- công nhân khoan địa chất công trình 3- công nhân khảo sát địa chất Tôi có qua BHXH Thừa Thiên-Huế hỏi thì họ nói các chức danh trên không thuộc nghành nghề lao động nặng nhọc độc hại . Vậy tôi muốn hỏi 1 - họ nói như vậy có đúng không?Các trường hợp cùng công tác với tôi nghi hưu đều ở tuổi 55 2- tôi phải điều chỉnh chức danh nghề nghiệp như thế nào để có thể được nằm trong danh mục ngành nghề lao động nặng nhọc độc hại (trong các quyết định nâng bậc lương đều ghi chức danh nghề như trên)
Câu hỏi được biên tập và đăng tải bởi Bộ phận tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội – Phòng trợ giúp pháp lý trực tuyến miễn phí của Công ty Luật TNHH Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015
Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH
Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH
Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH
2. Nội dung tư vấn:
Hiện nay, trong quy định của pháp luật hiện hành luôn có sự những chính sách ưu đãi nhất định đối với những đối tượng làm những công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm, ví dụ như về mức lương, về độ tuổi nghỉ hưu, về các khoản trợ cấp… bởi tính chất và mức độ nguy hiểm đối với công việc mà họ đang làm so với người làm việc trong điều kiện bình thường. Chính bởi vậy, xác định công việc đang làm có thuộc ngành nghề độc hại nguy hiểm hay không là một trong những vấn đề mà nhiều người lao động quan tâm, trong đó có bạn. Để giải quyết vấn đề này, cần xem xét các phương diện sau:
Trước hết, hiện nay, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về khái niệm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hay là nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tuy nhiên, có thể hiểu đây là những nghề, công việc có tính chất khắc nghiệt hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe của người lao động so với những nghề, công việc thông thường khác.
Về vấn đề này, tại Điều 22 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 cũng có quy định:
“Điều 22. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm
1. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
3. Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, việc xác định một ngành nghề có thuộc nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm hoàn toàn phụ thuộc và đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc, và được xác định dựa trên Danh mục do Bộ lao động thương binh và xã hội ban hành trên cơ sở ý kiến của Bộ y tế.
Xem xét trong các trường hợp cụ thể của bạn, hiện tại bạn đang cần xác định công việc của bạn có thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay không. Suốt 25 năm công tác, bạn chỉ làm một công việc chuyên về khoan khảo sát địa chất các công trình giao thông. Trong đó, chức danh qua từng thời kỳ được ghi nhận lần lượt là:
– Công nhân khoan địa chất, thuộc tổ địa chất, đội khảo sát.
– Công nhân khoan địa chất công trình.
– Công nhân khảo sát địa chất.
Đây đều là ngành, nghề, chức danh liên quan đến lĩnh vực địa chất, cụ thể địa chất các công trình giao thông. Về lĩnh vực này, căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là theo Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 06 năm 2016, và Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13 tháng 10 năm 1995, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30 tháng 7 năm 1996, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26 tháng 12 năm 1996, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 03 tháng 3 năm 1999, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2000, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày 18 tháng 9 năm 2003, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2012 thì liên quan đến lĩnh vực địa chất, có các ngành, nghề sau đây thuộc danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, gồm:
- Vận hành hệ thống, thiết bị theo dõi dữ liệu khoan và dữ liệu địa chất trên công trình dầu khí vùng sa mạc.
- Vận hành hệ thống, thiết bị theo dõi dữ liệu khoan và dữ liệu địa chất trên công trình dầu khí vùng đầm lầy.
- Vận hành hệ thống, thiết bị theo dõi dữ liệu khoan và dữ liệu địa chất trên giàn tự nâng, giàn nửa nổi nửa chìm, tàu khoan.
- Công nhân địa chất quan trắc địa hình
- Đào hào, giếng,lò địa chất trong vùng mỏ phóng xạ.
- Địa vật lý hàng không.
- Khoan tay, khoan máy trong vùng mỏ phóng xạ
- Đo carôta lỗ khoan.
- Lộ trình lập bản đồ địa chất, địa chất thuỷ văn, địa vật lý, quan tắc địa chất thuỷ văn, tìm kiếm khoáng sản vùng phóng xạ hoặc núi cao, biên giới, hải đảo.
- Khảo sát, lấy mẫu quặng, mẫu phóng xạ trong các công trình (hào,lò,giếng)
- Khảo sát địa vật lý vùng phóng xạ.
- Đào hào, giếng, lò địa chất.
- Gia công, phân tích mẫu quặng phóng xạ.
- Lấy mẫu, đãi mẫu trọng sa
- Phân tích mẫu địa chất bằng phương pháp Rơnghen, nhiễu xa, phương pháp khối cho phổ đồng vị phóng xạ và phương pháp microzon hiển vi điện tử quét.
- Phân tích mẫu địa chất bằng quang phổ plasma (ICP)
- Trắc địa địa hình,trắc địa công trình địa chất vùng núi cao, biên giới, hải đảo.
- Khảo sát địa chất, trắc địa, địa vật lý, địa chất thuỷ văn trên biển.
- Khoan tay địa chất
Nhưng trong trường hợp cụ thể của bạn, công việc của bạn là khoan khảo sát địa chất các công trình giao thông, hoàn toàn không thuộc các trường hợp được xác định là ngành nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo Danh mục nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH, Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH được trích dẫn ở trên. Do vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội Thừa Thiên Huế trả lời như vậy là hoàn toàn chính xác.
Do công việc của bạn trong suốt 25 năm qua đều là khoan khảo sát địa chất công trình nên dù thay đổi chức danh nghề nghiệp như thế nào cũng chỉ thể hiện bản chất công việc, điều kiện lao động của công việc này như vậy. Trường hợp này, bạn chỉ được xác định là đang làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong ngành địa chất nếu thuộc một trong các công việc về lĩnh vực địa chất được xác định theo Danh mục Danh mục nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH, Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ, Quyết định số 190/1999/QĐ-BLĐTBXH, Quyết định số 1580/2000/QĐ-BLĐTBXH, Quyết định số 1152/2003/QĐ-BLĐTBXH, Thông tư số 36/2012/TT-BLĐTBXH được trích dẫn ở trên.
Về việc những người công tác với bạn được nghỉ hưu ở tuổi 55 được xác định là trường hợp họ có hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Nội dung này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, cụ thể:
“Điều 54. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;
b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;
c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.”
Do vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nếu bạn đủ 55 tuổi trở lên, là nam, có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng không đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuộc trường hợp có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì bạn cũng không thể nghỉ hưu ở độ tuổi 55 tuổi.
Như vậy, qua phân tích ở trên, xác định ngành nghề mà bạn đang làm việc không thuộc ngành, nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành. Bạn có thể căn cứ vào tình hình thực tế để xác định cụ thể.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về bảo hiểm xã hội của chúng tôi:
- Tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật về BHXH - BHYT qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật BHXH tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!