Khởi kiện người xúc phạm danh dự nhân phẩm mình. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác bị xử lý hình sự như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi vấn đề như sau: Hiện tại có một người là vợ của 1 anh làm cùng cơ quan với tôi cho rằng tôi và chồng chị đó có quan hệ bất chính với nhau. Chị đấy nhắn tin đe dọa và còn bêu xấu thông tin của tôi trên mạng xã hội, những tin nhắn trước đây tôi đã xóa, tôi chỉ giữ những tin nhắn mới đây và chụp lại ảnh đã đăng trên mạng xã hội. Với những điều đó tôi muốn kiện người đó có được không và thủ tục như thế nào? Cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
– Điều 121 Bộ luật hình sự 1999.
2. Giải quyết vấn đề:
Theo như bạn trình bày, có một người nghi ngờ bạn có quan hệ bất chính với chồng của họ, thường xuyên nhắn tin đe dọa và đăng tải thông tin bêu xấu về bạn trên mạng xã hội. Với những hành vi này có thể xác định người đó có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của bạn.
Để đảm bảo quyền lợi của bạn, bạn hoàn toàn có thể làm đơn trình cáo hành vi của người này đến cơ quan công an cấp quận/huyện nơi người đó có đăng ký hộ khẩu thường trú.
– Về trách nhiệm hành chính:
Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình. Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng khi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
– Về trách nhiệm dân sự:
Pháp luật quy định dân sự, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Căn cứ theo Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 quy định bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần mà bạn gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
– Về trách nhiệm hình sự:
Nếu hành vi của người đó xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bạn thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự 1999.
Tội làm nhục người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
Các dấu hiệu cấu thành:
* Mặt chủ thể:
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với mong muốn cho người bị hại bị nhục với nhiều động cơ khác nhau, như để trà thì, có thể trả thù chính người bị hại hoặc cũng có thể trả thù người thân của người bị hại, …Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác.
* Chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt khách quan:
– Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Xúc phạm nghiêm trọng là việc bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của công dân làm họ mất uy tín với những người xung quanh.
– Biểu hiện cụ thể của hành vi.
+ Có thể bằng lời nói: chửi bới, lang mạ, sỉ nhục, hạ nhục người khác ở chỗ đông người.
+ Bằng chữ viết, hình vẽ lăng mạ nơi có nhiều người qua lại.
+ Bằng hành động: lột quần áo, nhổ vào mặt, bôi bẩn vào mặt, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự,nhân phản của người khác.
Việc xác định mức độ nghiêm trọng phải kết hợp với các yếu tố: trình độ nhận thức, mối quan hệ,gia đình và xã hội, phong tục tập quán, truyền thống gia đình, địa vị xã hội, nơi công tác… Dư luận xã hội cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định danh dự, nhân phẩm của con người bị xâm phạm đến mức nào.
Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.
Như vậy, nếu hành vi của người đó đáp ứng đủ các dấu hiệu nêu trên thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật hình sự 1999.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm thông tin các dịch vụ tư vấn về pháp luật hình sự của chúng tôi:
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến miễn phí qua điện thoại
- Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua email, bằng văn bản
- Luật sư tư vấn luật hình sự tại văn phòng và tại nơi khách hàng yêu cầu
- Các dịch vụ Luật sư tư vấn - tranh tụng uy tín khác của Luật Dương Gia!
Trân trọng cám ơn!